Hỗ trợ doanh nghiệp

Ứng xử linh hoạt với vốn ngoại

Các doanh nghiệp cần cẩn trọng để tránh "bẫy thâu tóm" từ phía nhà đầu tư nước ngoài, thận trọng với FDI "núp bóng", nhưng điều đó không có nghĩa là gây khó dễ cho hoạt động mua bán và sáp nhập.

Chuyên gia tài chính bày cách cho DN tiếp cận vốn ngân hàng vượt Covid-19 / Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho DN nhỏ và siêu nhỏ

Theo nhiều doanh nghiệp Việt Nam, tiếp nhận vốn ngoại là một giải pháp khả thi giúp vực dậy doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19.

Doanh nghiệp Việt vẫn cần vốn ngoại

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm CEO của Tiki - đơn vị sở hữu nền tảng thương mại điện tử Tiki, bày tỏ mong muốn các thủ tục hành chính đối với việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài trở nên đơn giản hơn, từ đó sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt thay vì mất 2 - 3 tháng như hiện tại.

Lo ngại nước ngoài "đầu tư chui", núp bóng" vào ngành gỗ để hưởng lợi thế xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh: Internet)

Lo ngại nước ngoài "đầu tư chui", núp bóng" vào ngành gỗ để hưởng lợi thế xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh: Internet)

"Điều này giúp doanh nghiệp nội địa nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ngoại dồi dào để phục hồi và củng cố năng lực cạnh tranh hậu Covid-19", ông Sơn nói.

Theo CEO Tiki, lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay được xác định là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, vì vậy khi nhận được vốn đầu tư nước ngoài thì Sở KH&ĐT phải hỏi ý kiến Bộ, nên thời gian kéo dài. Tiki kiến nghị cho phép Sở được quyết định việc này.

Về vấn đề mua bán và sáp nhập (M&A), thời gian gần đây, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê út...

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư.

 

"Nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội", ông Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp nhận nguồn vốn ngoại, tuy nhiên nhiều người lo ngại thời điểm hậu Covid-19 sẽ rất nhạy cảm trong việc M&A, không cẩn thận thì nhiều doanh nghiệp chiến lược của Việt Nam sẽ bị khối ngoại mua rẻ. Vì vậy, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần có chính sách cho ngưng thực hiện giao dịch M&A.

Phân tích về vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khẳng định đúng là có hiện tượng thâu tóm doanh nghiệp trong nước thông qua M&A trong 2 - 3 năm gần đây, năm 2019 cao hơn hẳn năm 2018. Tuy nhiên, đó chưa phải là xu hướng mạnh và lấn át dòng vốn FDI.

Ông Thắng dẫn chứng: Năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 36 tỷ USD, trong đó số góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 10 tỷ USD.Năm 2019, tổng vốn đạt 38,9 tỷ USD, trong đó số góp vốn đạt 15,5 tỷ USD.4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đạt 12,33 tỷ USD, trong đó góp vốn chỉ 2,4 tỷ USD, giảm 4,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Với xu thế này, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoàinhận định chưa phải ở mức quá đáng lo ngại.

 

Nhưng kiên quyết chặn đầu tư 'núp bóng'

Tuy vậy, ông Phan Hữu Thắng cho rằng: Việt Nam cũng cần phải nhận biết xu hướng và quản lý chặt chẽ, phải có định hướng rất rõ với các lĩnh vực ngành nghề gì thì thực hiện qua M&A.

Bên cạnh việc chọn lựa theo lĩnh vực mà chúng ta cần, cũng phải lựa chọn theo đối tác đầu tư, không thể để doanh nghiệp nước ngoàiđầu tư núp bóng, dùng người Việt để mua đất, mua dự án.

"Chúng ta biết, nhưng giải pháp phòng chống, xử lý còn yếu. Vấn đề là Chính phủ cần quan sát và sớm nhìn ra cái gì có thể gây tác hại trong ngắn hạn và dài hạn", ông Thắng khuyến nghị.

Theo Ts. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lo ngại nhất là khi doanh nghiệp FDI mua lại các doanh nghiệp/dự án nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền, lợi ích cốt lõi quốc gia, không những ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ.

 

Để quản lý được rủi ro, Chính phủ cần phải rà soát, chỉnh sửa và điều chỉnh các điều kiện chính sách, kỹ thuật… liên quan đến M&A (tỷ lệ cổ phần, thời hạn bán ra...) theo các ngành hàng nhạy cảm, hay tiềm năng là nhạy cảm. Đồng thời, xây dựng được hệ thống thông tin đủ chi tiết về kinh tế, kỹ thuật, an ninh…

Bên cạnh đó, cần kiểm soát hữu hiệu việc đứng tên, bán lại các dự án, nhất là bất động sản nhạy cảm…để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Nguy cơ đầu tư "núp bóng" không chỉ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, mà trước mắt ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam do bị kiện vì nghi giả mạo xuất xứ.

Tính đến tháng 4/2020, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị mạo danh xuất xứ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng. Đây là một cảnh báo cần được các cấp, các ngành, doanh nghiệp lưu ý.

Được biết, để ngăn chặn hành vi này, Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) đã bổ sung hàng loạt quy định nhằm chặn đầu tư “chui”, “núp bóng”, chặn các dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, thậm chí chặn cả chuyện chuyển giá ngay từ khâu đầu tư.

 

Bộ KH&ĐT cho biết trước khi cấp phép cho dự án FDI, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm