Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyên gia tài chính bày cách cho DN tiếp cận vốn ngân hàng vượt Covid-19

DNVN - Trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phàn nàn khó tiếp cận gói tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng mà Chính phủ giao cho ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra 4 lời khuyên cho DN dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 / Hiến kế giúp DNNVV bình ổn sản xuất và kết nối vốn hậu Covid-19

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến thời điểm tháng 4/2020, các ngân hàng đã cho vay cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng. Đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng. Đã hạ lãi suất cho 289.204 khách hàng có dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 948.407 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.
Như vậy, quy mô gói hỗ trợ mà các ngân hàng đưa ra đã lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng, hoàn toàn từ tiền túi của ngân hàng, đồng nghĩa với các ngân hàng phải hi sinh hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu toàn ngành nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, theo đó các tổ chức tín dụng phải cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, không được hạ tiêu chuẩn cho vay để tránh hệ luỵ lâu dài cho nền kinh tế. Các ngân hàng phải lắng nghe và phải giải thích rõ ràng cho doanh nghiệp lý do vì sao không được vay vốn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, những doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng đa phần là những doanh nghiệp nhỏ, hồ sơ chứng minh thiệt hại không rõ ràng do sổ sách kế toán thiếu minh bạch.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, gói tín dụng này này không phải từ ngân sách nên ngân hàng phải dùng gói này với tiêu chí an toàn về vốn, tránh được rủi ro gây thiệt hại cho họ. Đây là lý do khiến ngân hàng không thể giúp được những DN đang quá đuối sức do chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 mà họ chỉ hỗ trợ những DN có tiềm lực, có khả năng phát triển, tình hình tài chính đủ mạnh. Do đó, chúng ta không thể trông chờ gói 300.000 tỷ đồng của Chính phủ giao cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, đưa ra lời khuyên cho các DN khó tiếp cận nguồn vốn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thứ nhất các DN đang gặp khó khăn nên tiếp tục nói chuyện với các ngân hàng. Trong số 10 ngân hàng DN nói chuyện thì cũng có 1, 2 ngân hàng có giải pháp cho DN. Nếu họ không giúp, không cho vay được thì ít nhất họ cũng có sáng kiến giúp DN vượt khó.
Thứ 2, DN nên tìm đến các hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) hoặc các hiệp hội ngành nghề - bởi những hiệp hội này thường có các bộ phận tư vấn cho DN.
Thứ 3 là hợp lực giữa các DN. Nếu một mình DN khó khăn thì nên hiệp lực với 3, 4 DN khác cùng hoàn cảnh, để hợp sức với nhau để tạo sức mạnh.
Cuối cùng là DN "chạy" đến Chính phủ. "Con khóc mẹ mới cho bú" nên trong tình cảnh khó khăn, các DN đừng ngần ngại chạy đến tất cả các cơ quan Chính phủ, từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thậm chí là gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ nêu khó khăn của DN.
Dù vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ phải có gói riêng từ tiền ngân sách và phải lên tới 150.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN, đặc biệt là các DNNVV; đồng thời sử dụng Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Về vấn đề này, ông lấy ví dụ về chính sách hỗ trợ của Mỹ.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ban đầu, Mỹ có gói hỗ trợ 2.200 tỷ USD, và bây giờ lên đến 3.000 tỷ USD và thậm chí còn có những gói tiếp sau đó. Những gói này là tiền của Chính phủ. Trong khi đó, tại Việt Nam có 3 gói chính: 300.000 tỷ đồng, 180.000 tỷ đồng và gói 62.000 tỷ đồng.
Chuyên gia này cho biết, gói đầu tiên không phải là tiền của Chính phủ, gói thứ 2 thuộc về thuế để giảm thuế, giãn thuế nhưng Chính phủ cũng không phải bỏ tiền ra. Chỉ có gói 62.000 tỷ đồng là của Chính phủ nhằm hỗ trợ người mất việc, gia đình chính sách, hộ nghèo... Tuy nhiên, gói dân sinh này thực ra quá nhỏ bé.
"Học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế là phải bỏ ngân quỹ ra để hỗ trợ người dân và DN. Tôi biết đây là điều khó khăn với Việt Nam vì ngân quỹ quốc gia eo hẹp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, có lẽ phải dựa vào Chính phủ để có sự tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm