Nếu sáp nhập, Tiki và Sendo có "giẫm chân" nhau?
TTC Lâm Đồng ra quân chiến dịch “Gieo mầm yêu thương” / Thẩm định hồ sơ thầu: Cần nhạy cảm và tỉnh táo
Nếu Sendo và Tiki thực sự trở thành "đối tác chung nhà", liệu họ có tự "giẫm chân" nhau khi cả hai vốn đang là đối thủ trên đường đua thương mại điện tử khốc liệt?
Khả năng hai doanh nghiệp thương mại điện tử nội đầu ngành là Tiki và Sendo sáp nhập đang nhận được sự quan tâm của thị trường, khi tuần trước nguồn tin của trang DealStreetAsia xác nhận cổ đông lớn ở hai phía là JD.com của Tiki hay SoftBank Ventures Asia của Sendo đã đạt được thỏa thuận. Câu hỏi được nhiều người quan tâm trong thương vụ này là khi Tiki và Sendo chuyển mối quan hệ từ đối thủ thành đối tác, hai bên sẽ bổ trợ được gì cho nhau và điều đó có ý nghĩa gì cho giai đoạn cạnh tranh sắp tới? Từ nhiều dữ liệu thị trường, sau đây là một số yếu tố cho thấy cái lý của cú bắt tay này.
Nguồn vốn
Trong top 4 doanh nghiệp TMĐT đầu ngành tại Việt Nam, Tiki là cái tên đầu tiên hé lộ con số lỗ năm 2019 là gần 1.800 tỷ đồng - theo báo cáo tài chính của cổ đông lớn VNG. Con số này cao hơn gấp đôi số lỗ của Tiki năm 2018, điều này cho thấy áp lực vốn đang là gánh nặng không nhỏ đối với các công ty khởi nghiệp đi theo mô hình gọi vốn để tăng trưởng như Tiki hay Sendo, đặc biệt khi đối thủ trực tiếp là Lazada và Shopee, đều được hậu thuẫn tài chính từ công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ sừng sỏ tầm thế giới là Alibaba (Trung Quốc) và SEA (Singapore).
Do đó, nếu Tiki và Sendo sáp nhập có thể giải tỏa đáng kể áp lực vốn này, nhà đầu tư cũng có thêm lý do để mở hầu bao trong bối cảnh quỹ đầu tư nào cũng đang thắt lưng buộc bụng. Ông Đặng Đăng Trường - Trưởng Ban Truyền thông của iPrice Việt Nam (đơn vị thường xuyên có các báo cáo nghiên cứu về thị trường thương mại điện tử tại 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam) tỏ ra lạc quan trước khả năng gọi được các vòng vốn lớn trăm triệu đô nếu Tiki và Sendo sáp nhập: "Cả hai kết hợp với nhau thì vẫn có thể đảm bảo cả hai có thể tiếp tục theo đuổi con đường từ đầu của mình. Lại vừa có thể mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư nhờ vào lượng khách hàng đông đảo từ cả hai bên".
Tiki mạnh thành thị, Sendo phủ nông thôn
Dù đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng ngay từ đầu, chiến lược thị trường của Tiki và Sendo khá khác biệt. "Sendo và Tiki họ có những điểm mạnh, điểm yếu trái ngược nhau, vì vậy nếu hợp tác họ vừa có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển, đồng thời đảm bảo là không giẫm chân lên nhau trong thời gian tới khi họ mở rộng thị trường", ông Đặng Đăng Trường phân tích. Tiki tập trung vào chất lượng hơn số lượng, cam kết thời gian giao hàng nhanh để chinh phục người dùng thành thị khó tính trong khi Sendo lại chú trọng đến hàng hóa đa dạng, giá mềm để dễ tiếp cận với người dùng ở ngoại thành, nông thôn.
Bằng chứng là theo báo cáo từ hãng nghiên cứu Nielsen, Tiki đang là đơn vị có chỉ số NPS (chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng) cao nhất trong ngành TMĐT Việt Nam suốt 5 tháng liên tục, từ tháng 09/2019 đến tháng 01/2020. Một kết luận tương tự cũng được báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me chỉ ra: Tiki được người dùng đánh giá cao nhất về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt trong các ngành hàng điện tử - di động vốn có thị phần cao ở các đô thị lớn.
Tiki tỏ ra "được lòng" người dùng qua báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường.
Trong khi đó, một số liệu của iPrice lại chỉ ra rằng Sendo đang có số thiết bị truy cập web hằng tháng từ tìm kiếm tự nhiên cao nhất, 44% lượng truy cập vào website của Sendo là đến từ các trang tìm kiếm như Google hoặc Cốc Cốc, cho thấy khả năng tiếp cận nhanh chóng đến các tỉnh thành của chợ thương mại điện tử này.
Sendo lại "vô đối" trong việc kéo lượng truy cập tìm kiếm tự nhiên.
Điển hình như với ngành hàng tươi sống mới "nở rộ" trên thương mại điện tử sau cao điểm dịch COVID-19. Trong khi các sàn khác như Lazada hayTiki đều đang có những bước thử nghiệm thận trọng với người dùng ở các thành phố lớn, thì ông Lê Anh Huy - Phó Tổng Giám đốc Sendo lại tỏ ra khá tự tin về khả năng mang dịch vụ này đến các tỉnh thành khác. "Doanh số ngành thực phẩm tươi sống tăng 20 lần so với thời điểm trước dịch. Ở thời điểm này mặc dù khách hàng đã có thể đi ra ngoài mua sắm, nhưng lượng đơn hàng và khách sử dụng dịch vụ đó của chúng tôi nó không giảm. Rồi dịch vụ này nó sẽ nở rộ ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương... chứ không chỉ gói gọn trong các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM", ông Huy nói với phóng viên VTV.Sendo cũng từng nhiều lần khẳng định chiến lược "thương mại điện tử hóa" nông thôn của mình. Đơn vị cho biết cách đây 3 năm chi phí để giao một đơn hàng từ TP. HCM đến một tỉnh miền núi phía Bắc rơi vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng và mất khoảng 5-6 ngày, nhưng hiện nay Sendo đã giảm được 50% cả chi phí lẫn thời gian. Nếu hợp lực với Tiki, khả năng Sendo tiếp tục kéo giảm chi phí để khách hàng hưởng lợi là hoàn toàn có thể xảy ra nhờ vào tối ưu hóa quy trình giao vận.
Khắc phục "điểm huyệt" app di động
Dù đều cạnh tranh khá sòng phẳng với các đối thủ vốn nước ngoài, nhưng cả Tiki và Sendo vẫn có chung điểm yếu về ứng dụng di động (app) so với khối ngoại. Báo cáo của iPrice cũng cho thấy xét về lượt tải ứng dụng di động, Sendo tụt hạng từ cuối năm 2019, mất vị trí thứ 2 về tay Lazada cho đến quý 1/2020, còn về lượng người sử dụng (MAU) tại Việt Nam thì trong top 10, chỉ có đúng 2 doanh nghiệp nội là Tiki (hạng 3) và Sendo (hạng 4) - lép vế hẳn so với các doanh nghiệp vốn nước ngoài. "Doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt nền tảng ứng dụng di động", báo cáo này kết luận trong khi app di động mới được xem là kênh giao dịch tương lai của thương mại điện tử.
Tuy nhiên, "điểm huyệt" này có thể sẽ được khắc phục nếu Sendo sáp nhập với Tiki. "Năm 2019 có những quý lượt tải app di động của Sendo rất cao, xếp thứ 2 thị trường Việt Nam, thậm chí là thứ 2 toàn Đông Nam Á. Trong khi đó, Tiki lại tập trung phát triển những tính năng mới trên app di động, đặc biệt là livestream và gameshow để tăng tương tác của người dùng. Nếu cả 2 có thể kết hợp và học hỏi nhau, thì họ vừa có thể tăng lượng tải về, vừa tăng tương tác. Đó là kịch bản khá hợp lý cho doanh nghiệp TMĐT nội" - ông Đặng Đăng Trường đúc kết từ nguồn dữ liệu iPrice thống kê. Còn dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Tiki cũng từng nhấn mạnh về tính tập trung để có một ứng dụng TMĐT thành công: "Về mặt nguồn vốn, doanh nghiệp trong nước sẽ luôn có sự thua thiệt, tuy nhiên, bù lại mình có thể làm tập trung. Nếu nguồn lực ít hơn mà mình làm tập trung hơn thì vẫn sẽ có hiệu quả cao", ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Chủ tịch Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp của Tiki chia sẻ.
Hiện nay cả Tiki và Sendo đều chọn cách im lặng, không bình luận về thông tin sáp nhập. Xét về lý thuyết thì nếu sáp nhập, 2 bên có nhiều điểm bổ trợ được cho nhau. Nhưng xét về thực tế, để sự bổ trợ này mang lại hiệu quả, còn phải phụ thuộc vào phương án sáp nhập, cơ cấu bộ máy điều hành sẽ được tái sắp xếp như thế nào bởi thị trường đã từng chứng minh: không phải lúc nào sáp nhập cũng mang về quả ngọt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo