Hỗ trợ doanh nghiệp

VASEP kiến nghị gỡ vướng trong kiểm soát IUU, cấp giấy xác nhận nguyên liệu

DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó do sự thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong quản lý tàu khai thác, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành hồ sơ xuất khẩu theo yêu cầu.

Hội nghị xúc tiến thương mại Việt Nam - Thái Lan thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo / Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp

Vướng mắc trong cấp giấy S/C và quản lý tàu khai thác

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn báo cáo Bộ NN&PTNT những bất cập trong công tác kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cũng như việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C).

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cấp giấy S/C cho các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu. Theo VASEP, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sự thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong quản lý tàu khai thác, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành hồ sơ xuất khẩu theo yêu cầu. Đặc biệt, tình trạng nhiều tàu cá cập bến tại cảng khác với cảng chỉ định để bốc dỡ nguyên liệu đã gây cản trở đáng kể cho việc cấp giấy S/C.

Ngoài ra, một số tàu khai thác chỉ được ghi nghề chính trên giấy phép khai thác nhưng lại thực hiện nghề phụ khi hoạt động. Điều này khiến doanh nghiệp không thể xin giấy S/C cho lô nguyên liệu do những tàu này khai thác. Nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), dẫn đến việc doanh nghiệp không thể xuất khẩu được.


VASEP kiến nghị gỡ vướng trong kiểm soát IUU và cấp giấy xác nhận nguyên liệu cho doanh nghiệp thuỷ sản.

Vấn đề mất kết nối dữ liệu hành trình của tàu cá cũng là một khó khăn khác. Doanh nghiệp không được phép kiểm tra dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá, dẫn đến tình trạng bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu khai thác. Các chủ tàu cá và đại lý thu mua, do không cần giấy S/C, nên thường không hợp tác với doanh nghiệp, khiến việc xin cấp giấy S/C càng trở nên khó khăn.

Trước những khó khăn này, VASEP đã đưa ra một kiến nghị với Bộ NNPTNT và các tỉnh ven biển nhằm cải thiện tình hình. Cụ thể, hiệp hội đề xuất đầu tư và cải tạo cơ sở hạ tầng, tăng số lượng các cảng cá đạt chuẩn để giải quyết nút thắt trong việc quản lý tàu cá cập bến và xác nhận nguyên liệu. Đồng thời, cần bổ sung và sửa đổi nội dung ghi trên giấy phép khai thác để bao gồm cả nghề chính và nghề phụ.

VASEP cũng kiến nghị cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm tra tính hợp pháp của nguyên liệu khai thác, đồng thời thúc đẩy các tỉnh thực hiện tốt các quy định về ATTP cho tàu cá.

Khó khăn trong triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử

Liên quan đến khó khăn trong triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT), VASEP cho biết, từ ngày 1/7/2024, hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác điện tử (eCDT) đã được triển khai cho tất cả các tàu cá ra vào cảng. Tuy nhiên, nhiều ngư dân không chịu khai báo sản lượng trên ứng dụng điện thoại, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể làm thủ tục xin giấy S/C.

Trong tháng 7/2024, nhiều cảng cá không cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản và giấy S/C cho nguyên liệu thủy sản khai thác, gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu.

Do đó, VASEP đề nghị bổ sung các chủ thể như tàu thu mua và nậu vựa vào hệ thống eCDT, đồng thời đề nghị Cục Thủy sản tổ chức tập huấn và hướng dẫn ngư dân nhập liệu chính xác.

VASEP cũng kiến nghị thiết lập đường dây hỗ trợ kỹ thuật 24/7 và thành lập đội ngũ hỗ trợ tại các cảng cá để giúp ngư dân trong quá trình sử dụng hệ thống.

"Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong muốn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời từ Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại, bảo đảm sự thông suốt trong quy trình kiểm soát IUU và cấp giấy S/C, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường quốc tế", VASEP đề xuất.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm