Hỗ trợ doanh nghiệp

VINASME và OECD trao đổi về chính sách hỗ trợ SME Việt Nam

DNVN - Sáng 08/5, tại Hà Nội, đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) về những thách thức chính mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang phải đối mặt cũng như chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này.

Nhận lương hàng trăm triệu mỗi tháng, phi công Vietnam Airlines vẫn bỏ đi? / DragonGroup phân phối xe VinFast, định hướng thành đại lý ủy quyền hàng đầu miền Bắc

OECD đang thực hiện một nghiên cứu về chính sách dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Một phần quan trọng của nghiên cứu này là chuyến làm việc kéo dài một tuần của phái đoàn OECD, trong đó Ban Thư ký OECD gặp gỡ các tổ chức tư nhân và chính phủ để thảo luận về những thách thức chính mà các SME Việt Nam đang phải đối mặt cũng như những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ các SME.
Trong khuôn khổ dự án chung giữa Canada và OECD về doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN (COPAS), đoàn công tác của OECD dự kiến làm việc tại Việt Nam từ ngày 06-10/5/2019 để đánh giá, nghiên cứu về doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nhân của Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi với phái đoàn OECD vào sáng nay, thay mặt lãnh đạo VINASME, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết: VINASME là tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp quốc gia, đại diện cho số lượng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với 62.000 DN đăng ký là hội viên của hiệp hội. Kể từ khi thành lập cách đây 13 năm, VINASME luôn bám sát thực hiện nhiệm vụ tập hợp phản ánh ý kiến của DN đến Bộ, ngành, Chính phủ; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN hội viên; Tư vấn thực hiện chính sách và pháp luật, xúc tiến thương mại liên doanh liên kết; Hỗ trợ vay vốn, đào tạo nhân lực; Thực hiện dự án hỗ trợ DN phát triển bền vững...
Toàn cảnh cuộc trao đổi giữa phái đoàn OECD và VINASME.

Toàn cảnh cuộc trao đổi giữa phái đoàn OECD và VINASME.


Chia sẻ với phái đoàn OECD về các hoạt động hỗ trợ của VINASME đối với cộng đồng SME Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho hay: Hiệp hội đã tiến hành hỗ trợ đào tạo cho các SME. Ông Nam khẳng định đây là hoạt động khó khăn nhất của VINASME bởi nguồn lực về tài chính từ nguồn của Chính phủ rất hạn chế. Các SME Việt Nam mong muốn có các khóa đào tạo miễn phí, và trông chờ vào sự giúp đỡ của VINASME. Do đó, Hiệp hội phải vận động thêm các nguồn lực từ các dự án, các tổ chức quốc tế, các nguồn thu khác để tổ chức ra các khóa đào tạo.
"Nhu cầu đạo tạo/năm 15 đến 20.000 đối tượng học viên. Trong 2018, HH mới đào tạo được trên 5.000 học viên - số lượng rất ít so với nhu cầu là 15.000 - 20.000 học viên - tức là chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đào tạo do khó khăn về tài chính. Nói cách khác, khó khăn về tài chính đã làm thiếu hụt 80% nhu cầu đào tạo của VINASME", Phó Chủ tịch thường trực VINASME nêu.
Cũng theo ông Tô Hoài Nam, VINASME mới thành công một phần trong đào tạo về quản trị DN, một phần về chính sách pháp luật, ví dụ như Luật LĐ, Thuế... Nhu cầu về đào tạo về tổ chức liên kết, tham gia chuỗi liên kết, logistics, tín dụng, VINASME chưa đáp ứng được nhu cầu của học viên.
Đánh giá về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành vào 12/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, ông Tô Hoài Nam khẳng định, luật này được ban hành thể hiện sự quan tâm và quyết tâm hỗ trợ của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đối với nhóm SME. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng các SME Việt Nam chưa được thụ hưởng nhiều từ đạo luật này.
"Có quá nhiều bằng chứng cho thấy chính sách ưu đãi trong luật gần như chưa đưa vào triển khai. Những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đất đai, tín dụng, logistics, tham gia đầu tư công... DN chưa được hỗ trợ nhiều", ông Nam nhấn mạnh.
Đơn cử như trong luật khuyến khích DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chính sách mới chỉ dừng lại ở việc định hướng, còn giải pháp cụ thể để DN tham gia dễ dàng thì chưa có. Để DN tự liên kết với nhau theo nguyên lý cung cầu sẽ mất thời gian, và các DN lớn sẽ lấn át các SME.
Một ví dụ khác, theo ông Nam, cho thấy nhóm DN này gặp khó khăn đó là tiếp cận tín dụng. Các SME thực sự khó tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi, và đây là 1 trong nhiều khó khăn dai dẳng mà các SME vẫn đang phải đối mặt.
Chính sách về đất đai cũng gây khó cho các SME. Thực tế trình tự, thủ tục để các SME thuê 200 mét vuông hay thuê 200 héc ta để phục vụ sản xuất kinh doanh là như nhau và phải thông qua ít nhất 20 loại giấy tờ khác nhau.
Đánh giá về sự thành công trong chính sách của VN đối với các DN nói chung và SME nói riêng, đại diện VINASME cho biết, sự thành công mới chỉ thể hiện rõ ở 2 việc: đó là áp dụng việc khai báo thuế điện tử; đăng ký thành lập DN dễ dàng và tiết kiệm thời gian bởi các thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhiều.
Với mong muốn được đồng hành nhiều hơn với các SME Việt Nam, ông Tô Hoài Nam đề nghị OECD cùng VINASME tham gia dự án khảo sát DN, qua đó giúp họ hiểu rõ các SME Việt Nam thiếu gì, cần gì để hỗ trợ kịp thời, giải quyết những bài toán khó của cộng đồng DN này như vốn, thị trường, đất đai, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.... VINASME sẽ quyết tâm là cầu nối giúp các SME phát triển bền vững trong tương lai và đóng góp nhiều hơn vào kinh tế nước nhà.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm