VINASME và USAID LinkSME chung tay hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
DNVN - Chiều 19/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) đã ký kết hợp tác chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nước ta tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Top 50 công ty niêm yết 2019 của Forbes ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu / Tập đoàn của Warren Buffet rót hơn 1 tỷ USD vào cổ phiếu Amazon
Thay mặt lãnh đạo VINASME, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký và ông Ron Askin - Giám đốc Dự án USAID LinkSME đã đặt bút ký chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Tô Hoài Nam và ông Ron Askin kí kết chương trình hợp tác hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại lễ ký kết, ông Tô Hoài Nam chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV, vẫn chưa đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và phần lớn giá trị sản phẩm là hoàn toàn phải nhập khẩu. Do đó, để hỗ trợ cộng đồng DNNVV Việt Nam, VINASME và Dự án USAID LinkSME sẽ hợp tác triển khai các hoạt động nhằm củng cố mối quan hệ bên mua - bên bán giữa các DNNVV Việt Nam với các công ty đa quốc gia tại Việt, qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giới thiệu về Dự án USAID LinkSME, ông Ron Ashkin, cho biết, dự án được USAID tài trợ với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục đích của dự án là hỗ trợ DNNVV, qua đó giúp người lao động Việt Nam có thu nhập tốt hơn. Và để thực hiện được mục tiêu này thì cách tốt nhất là kết nối các DNNVV với chuỗi giá trị toàn cầu.
"Thực tế là rất nhiều công ty nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam, nhưng lịch sử cho thấy khi các công ty đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ mang theo chuỗi cung cấp toàn cầu của họ và họ chỉ tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam. Và nếu so sánh với các nước xung quanh Việt Nam phần đóng góp nội địa của Việt Nam rất là thấp, ông Ron Ashkin nêu.
Theo Giám đốc Dự án USAID LinkSME, dự án sẽ giúp các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, để không "bỏ rơi" tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu trị giá vào khoảng 58 tỷ USD.
Dự án USAID LinkSME sẽ còn kéo dài 4 năm nữa và tiếp tục hợp tác với các đối tác của Việt Nam để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt. Trong giai đoạn đầu, Dự án sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực là điện tử và kim khí.
Cũng tại lễ ký kết, ông Ron Askin bày tỏ mong muốn làm việc tốt với VINASME để tất cả các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội tham gia dự án.
Cảm ơn và đánh giá cao chia sẻ của đại diện Dự án USAID LinkSME, ông Tô Hoài Nam khẳng định VINASME sẽ làm tốt công việc của mình và hi vọng với việc hướng đến hành động cụ thể, Dự án USAID LinkSME sẽ giúp VINASME thực hiện tốt nhất chức năng hỗ trợ DNNVV, đồng thời giúp cho quá trình hợp tác của hai bên thuận lợi, suôn sẻ trong thời gian tới.
Được biết, ngay sau lễ ký kết, VINASME sẽ tổ chức roadshow tới 10 tỉnh thành phố trên cả nước để giới thiệu dự án và các cơ hội hợp tác kết nối với các tập đoàn cung ứng quốc tế, các quỹ đầu tư về M&A…
Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID kéo dài 5 năm, được thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2023. Mục tiêu của dự án là củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNVVN) và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các mục tiêu cơ bản của dự án gồm: Nâng cao năng lực tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong 5 lĩnh vực của các SME Việt nam và Tăng cường khung liên kết kinh doanh giữa các SME và các công ty nước ngoài. Dự án USAID LinkSME với ngân sách 22 triệu đô la sẽ cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giúp các công ty đa quốc gia tại Việt Nam giảm chi phí khi sử dụng nguồn cung trong nước đồng thời là cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực DNVVN Việt Nam. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo