Xuất hoá đơn bán lẻ mỗi lần bơm xăng dầu: Các cây xăng tư nhân 'than' gặp khó
EVNSPC tăng cường hợp tác với ngân hàng Á Châu / VASEP kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó đối với doanh nghiệp thủy sản
Không thể áp dụng ồ ạt, phải có lộ trình
Ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, ngày 18/11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Tại toạ đàm trực tuyến “Triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” chiều ngày 26/12 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong cho rằng: “Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu”.
Cùng đó, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cũng có công văn gửi các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan thuế địa phương lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Tuy nhiên, ở góc độ DN, ông Hoàng Trung Dũng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP)cho rằng, việc xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng dầu khiến DN hết sức trăn trở. Ngay khi có thông tin về Nghị định 123 của Chính phủ quy định các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần bán, DN lập tức “nhảy số” tính toán, tìm hiểu xem triển khai yêu cầu này thì phải làm những gì.
“Số tiền này, với những cây xăng tư nhân không thể thực hiện được, chưa kể tiền mua phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện DN bán lẻ không biết lấy từ đâu ra?”, ông Dũng trăn trở.
Theo DN này, về lý thuyết, DN nhận thức được chủ trương của cơ quan Nhà nước là nên làm nhưng Tổng cục Thuế cần tìm ra giải pháp để DN, đặc biệt là các DN bán lẻ vùng sâu, vùng xa có thể thực hiện được.
“Tôi cho rằng, không thể áp dụng chủ trương này một cách ồ ạt. Rất khó để yêu cầu các cây xăng ở vùng sâu, vùng xa lập phần mềm in hoá đơn điện tử. Nếu ép DN làm đến cùng thì DN chỉ còn đường đóng cửa”, Tổng giám đốc APP nói.
Bà Trần Thị Thuỳ Trâm - Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt cũng cho rằng, nếu buộc DN bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần bơm thì phải có chi phí kinh doanh định mức. Đề xuất này đã được DN gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, liên bộ Công Thương - Tài chính.
“Thời gian dài vừa qua, DN bán lẻ đã chịu chiết khấu thấp nên chúng tôi đề xuất có chi phí kinh doanh định mức. Khi DN có lãi, chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo quy trình mà cơ quan thuế yêu cầu”, bà Trâm nói.
Đối với khách hàng không có nhu cầu nhận hoá đơn điện tử, một số DN đề nghị xuất gộp vào cuối ngày.
Bà Trâm kiến nghị có thời gian thích hợp và lộ trình cụ thể vì hầu hết DN hiện nay gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Về vấn đề sử dụng hoá đơn điện tử một cách linh hoạt, DN này đề nghị các công ty phần mềm kế toán, giải pháp, kinh doanh hoá đơn điện tử linh hoạt mở cổng API. Việc này giúp DN bán lẻ được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp hoá đơn điện tử với giá thành hợp lý, dịch vụ hợp lý, quy trình phù hợp với trụ bơm DN đang sử dụng.
Cần thiết gọi đến đường dây nóng Trước những chia sẻ của DN, ông Mai Sơn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, quy định về hóa đơn bán lẻ, trong đó có xăng dầu thì có lộ trình có 2 năm trước khi chính thức ban hành. Pháp luật đã tính toán những vấn đề DN nêu, đứng về mặt thượng tôn pháp luật cần nhìn lại quá trình xây dựng pháp luật đến khi ban hành luật. Trong quá trình áp dụng hoá đơn điện tử, nếu DN có vướng mắc, trục trặc đến đâu cơ quan thuế sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay. “Chúng tôi có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho DN, không để chậm trễ. Hệ thống hóa đơn điện tử khá hiện đại, có phương án dự phòng nên có khả năng hạn chế và tránh được các nguy cơ nghẽn mạng, sập mạng làm ảnh hưởng đến DN”, ông Sơn nói. Ông Mai Sơn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế. Cơ quan thuế sẽ công khai những đơn vị công nghệ cung cấp giải pháp để cung cấp thêm thông tin cho DN. Qua đó, DN có thể lựa chọn giải pháp an toàn, có giá thành tốt. Tổng cục Thuế bảo đảm đường dây nóng để kết nối giữa các nhà cung cấp giải pháp với cơ quan thuế và DN. |
Liên quan đến thái độ phục vụ của cán bộ thuế, ông Sơn cho biết, ngành thuế và ngành tài chính nói chung có một số cá nhân có thái độ phục vụ chưa tốt. Tuy nhiên, đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, gây bức xúc cho DN.
“DN, người dân khi gặp trường hợp này có thể kiến nghị đến đường dây nóng chứ không thể đánh đồng tất cả”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, tính tới thời điểm hiện tại, đã có trên 3.000 cửa hàng xăng dầu thực hiện việc xuất hoá đơn điện tử cho từng lần bán. Hoá đơn điện tử xuất từng lần sẽ giúp DN thay đổi công nghệ quản lý. Việc quản trị, thương hiệu và uy tín được nâng cao khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hoá khi xuất hoá đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng.
Dần dần, tất cả hàng hoá sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có). Đến một ngày nào đó sẽ giảm chi phí của DN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo