Hỗ trợ doanh nghiệp

Năng lực của các DN vừa và nhỏ Việt Nam còn yếu kém

(DNVN) - Năm 2015, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ("SMEs") tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI.

Đó là thông tin được Bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế".
Theo bà Sherry Boger, chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các SMEs Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của SMEs trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. 

Các hiệp hội doanh nghiệp lo ngại về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
Các hiệp hội doanh nghiệp lo ngại về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế.

Cũng theo bà Sherry Boger, việc cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm có thể giúp tăng tỷ lệ này lên đáng kể. Trong đó, việc phát triển kinh tế xã hội trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu để chúng ta có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn và công nghệ trên thế giới, tiếp cận thị trường toàn cầu. 
Vì vậy, vị đại diện của Amcham cho rằng, cần ban hành pháp luật mới về SMEs và lựa chọn năm lĩnh vực công nghiệp để phát triển các cụm công nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị: điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, du lịch. 
Các kế hoạch hành động cần bao gồm hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, giúp Chính phủ và các doanh nghiệp xác định các chính sách ưu đãi để phát triển SMEs thành công ở các nước khác và các yêu cầu cho việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường hỗ trợ các cụm công nghiệp. 
Ngoài ra, cần phải có một hệ thống giáo dục hiện đại để hỗ trợ sự phát triển nói trên, việc tạo ra các nguồn lực sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng làm việc đồng thời phát triển các nghiên cứu sáng tạo cho lĩnh vực sản xuất, các quy chuẩn nguyên tắc thực hành kế toán được chấp nhận trên toàn cầu, các thủ tục hành chính thuế được sắp xếp hợp lý và minh bạch, tất cả các yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy tích hợp chuỗi cung ứng. 
Vị Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 400 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực và khu vực kinh doanh cụ thể. Những hiệp hội này cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh và thị trường cho các hội viên, cũng như thực hiện đào tạo phục vụ phát triển kinh doanh và xuất khẩu. Với vai trò nâng cao khả năng cạnh tranh của các SMEs trong nền kinh tế xuất khẩu như những nhà xuất khẩu và nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI, các hiệp hội có thể kết nối hỗ trợ của Chính phủ trong các lĩnh vực chính nêu ở trên. 
Cũng tại diễn đàn, bà Sherry Boger cũng chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt và nó ảnh hưởng nhiều đến các hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Hòa kỳ tại Việt Nam.
Theo đó, về vấn đề thị thực (Visa), Luật xuất nhập cảnh của Việt Nam được sửa đổi tháng 6/2014 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2015. Theo đại diện của Amcham đây là một bước lùi đáng kể. Theo quy định của luật, công dân Mỹ có kế hoạch đến thăm Việt Nam dưới hình thức visa Mỹ B-1 và B-2 sẽ được cấp visa có hiệu lực tối đa ba tháng, nhập cảnh một lần. Điều này có nghĩa rằng, trong tương lai gần, đối ứng với quy định này, visa Mỹ cấp cho công dân Việt Nam là du khách tạm thời có thể bị giảm thời hạn hiệu lực từ một năm như hiện tại xuống còn ba tháng, và từ nhập cảnh nhiều lần thành nhập cảnh một lần . 
Điều này gây ra những trở ngại đáng kể cho hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, và có thể làm sụt giảm nguồn thu lớn từ ngành du lịch, chưa kể đến những tác động tiêu cực với sự phát triển dự kiến của ngành du lịch vốn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam. 
Về thuế, Amcham đã hai lần trình bày với cả Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình nhà nhập khẩu và phân phối Mỹ chịu thiệt thòi do yêu cầu nộp thuế giá trị gia tăng đánh vào hàng nhập khẩu hai lần. Cơ quan thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng của nhà phân phối khi trường hợp đó đang trong quá trình kháng cáo. Đại diện Amcham hy vọng rằng trường hợp này có thể được giải quyết kịp thời. 
Về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng (đề xuất sửa đổi Thông tư 20), tại các cuộc họp ở cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các doanh nghiệp đồng loạt phản đối thông tư sửa đổi, với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất bằng cách "khuyến khích nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất mới được sản xuất với công nghệ mới nhất". Những hạn chế đưa ra trong dự thảo Thông tư sửa đổi có thể gây phản tác dụng, không khuyến khích ngành sản xuất, do số lượng lớn mã HS (mã Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá) liên quan của Hải quan để phân loại các thiết bị, phụ tùng, linh kiện yêu cầu nguồn vốn lớn và dài hạn. Thương mại toàn cầu trong lĩnh vực thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang phát triển, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi nguồn vốn lớn, vì nhà đầu tư có thiết bị đã sử dụng có chất lượng tốt thường muốn chuyển thiết bị từ một trong những nhà máy hiện tại của mình ở một nước khác sang Việt Nam, chứ không muốn mua thiết bị mới với thời gian giao hàng dài và chi phí cao hơn nhiều. Thay vì hạn chế, mục tiêu khuyến khích nhập khẩu thiết bị sản xuất cho các ngành công nghệ cao được hiện thực hóa tốt hơn bằng cách áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi thuế mới cho đầu tư thiết bị và công nghệ phù hợp. 

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo