Nga nỗ lực hoàn thiện trực thăng tấn công Mi-28... 40 năm sau chuyến bay đầu tiên
Chuyên gia: Tên lửa R-77 phá vỡ khả năng tàng hình của tiêm kích Su-57 / Máy bay tầm cao M-55 Geofizika bí ẩn của Nga tái xuất sau thời gian dài vắng bóng
Vào ngày 10/11/1982, chuyến bay đầu tiên của trực thăng tấn công Mi-28 đã diễn ra, mặc dù vậy sau hơn 40 năm, người Nga vẫn đang phải nỗ lực hoàn thiện chiếc máy bay lên thẳng này.
Vào cuối tháng 10/2023, giới truyền thông biết rằng Quân đội Nga cuối cùng đã lắp đặt tên lửa chống tăng tầm xa Vikhr trên phiên bản Mi-28NM, nhưng đồng thời thiết bị điện tử tích hợp lại xuất hiện những vấn đề kỳ lạ.
Và đó là chưa kể nỗ lực của người Nga trong việc sử dụng những chiếc trực thăng tấn công này để làm "thợ săn UAV", cũng chưa mang lại kết quả tích cực, chủ yếu do thiết kế không cho phép.
Ở đây, câu hỏi được đặt ra là tại sao người Nga vẫn tiếp tục phải hoàn thiện Mi-28 thậm chí 40 năm sau chuyến bay đầu tiên, và ở đây giả định như sau.
Có vẻ như trong trường hợp dự án Mi-28, các kỹ sư không thể quyết định hoàn toàn ý tưởng cuối cùng về việc sử dụng cỗ máy này trên chiến trường, và ít nhất kể từ cuối những năm 1980, họ đã định vị chiếc trực thăng tấn công này là sản phẩm "xuất khẩu".
Các vấn đề không chắc chắn về mặt khái niệm giữa những người tạo ra trực thăng vũ trang Mi-28 bắt đầu từ ngay giai đoạn thiết kế, khởi phát vào năm 1968 và khi phát triển dự án Mi-24, trong năm 1976.
Khái niệm về chiếc máy bay lên thẳng này đã được sửa đổi hoàn toàn theo yêu cầu mới của Quân đội Liên Xô, bởi vậy phải đến năm 1982 chuyến bay đầu tiên của Mi-28 mới diễn ra.
Nhưng sau đó, diễn ra một giai đoạn hoàn thiện khác đối với dự án Mi-28 và ngay từ năm 1988, các cuộc thử nghiệm phiên bản hiện đại hóa của cỗ máy này với tên gọi Mi-28A chính thức bắt đầu.
Nếu chúng ta đơn giản hóa lịch sử của Mi-28 thì vào những năm 1990 và 2000, thực tế đã có nhiều cuộc thử nghiệm đối với loại máy bay lên thẳng vũ trang này.
Hợp đồng cung cấp đầu tiên cho Quân đội Nga chỉ được ký vào năm 2005, Mi-28 được đưa vào sử dụng theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga từ năm 2008, nhưng thực chất phải tới năm 2013 nó mới xuất hiện trong đội hình tác chiến.
Tuy vậy sau tất cả những thăng trầm này, Mi-28 vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Quân đội Nga. Năm 2017, Cựu Tư lệnh Không quân Nga - Tướng Viktor Bondarev cho rằng thiết bị điện tử của Mi-28 cùng với động cơ tỏ ra rất kém tin cậy.
Điều này được thể hiện rõ nét bởi kinh nghiệm hoạt động chiến đấu của Mi-28 ở Syria. Ông Bondarev kể rằng sau một đợt xuất kích, những chiếc trực thăng "đi loanh quanh với đôi mắt đỏ hoe suốt ba ngày" vì thiết bị điện tử bị lỗi.
Nếu chúng ta tiếp tục thảo luận về sự không chắc chắn của các bệ phóng tên lửa trên Mi-28, thì điều đáng chú ý là vì lý do nào đó, người Nga chỉ tiến hành tích hợp các tên lửa tầm xa Izdeliye 305 trên các máy bay phiên bản sửa đổi Mi-28NM.
Phi đội Mi-28NM Night Hunter của Không quân Nga hiện chỉ có khoảng một chục chiếc, trong khi các phiên bản Mi-28 cũ hơn, bao gồm cả Mi-28N vẫn không thể sử dụng tên lửa Izdeliye 305 một cách hiệu quả.
Về định hướng "xuất khẩu" đối với Mi-28, cần nhớ lại rằng ngay từ năm 1990, Liên Xô đã lên kế hoạch bán giấy phép sản xuất những chiếc trực thăng này cho Iraq, với tên gọi Mi-28L. Nhưng thương vụ đã đổ bể do cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh.
Người Nga thậm chí đã cố gắng bán Mi-28 cho Thụy Điển vào năm 1995 nhưng cũng không thành công khi sau đợt thử nghiệm, Stokholm nhận ra những vấn đề kỹ thuật lớn còn tồn tại bên trong thiết kế, cần quá nhiều thời gian để khắc phục.
- Video: UAV Orbiter 2 - “Mắt thần” của lực lượng pháo binh. Nguồn: QĐND.
End of content
Không có tin nào tiếp theo