Quốc tế

Vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc và Nga - Thách thức lớn đối với Mỹ

Nguy cơ xảy ra các vụ va chạm về lợi ích trên quỹ đạo ngày càng lớn với hậu quả rất khó đoán định.

Mỹ đoán mục đích Nga dồn vũ khí đến Crimea / Mỹ chuẩn bị trang bị vũ khí laser cho hàng không mẫu hạm để "đánh chặn tên lửa Trung Quốc"

Mỹ khơi mào trước

Quân sự hóa không gian là một ý tưởng hoàn toàn của Mỹ, sau đó được các quốc gia khác, trước hết là Liên Xô lĩnh hội. Năm 1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, 4 năm sau, Mỹ đã sử dụng Chương trình Vệ tinh Khí tượng Phòng thủ (Defense Metoroite Satellite Program - DMSP) để lập kế hoạch không kích Đông Dương.

Người Mỹ là những người đầu tiên nghĩ đến việc tạo ra một vũ khí chống vệ tinh ngay cả trước khi vệ tinh đầu tiên trên thế giới được phóng - vào năm 1956. Lúc bấy giờ, đó là một chuyện khoa học viễn tưởng thực sự. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch tạo ra một thiết bị quỹ đạo có thể làm mất khả năng bay của các thiết bị vệ tinh khác, mặc dù thực tế là bản thân người Mỹ còn chưa phóng được một vệ tinh thông thường vào không gian.

Chính Mỹ đã khơi mào cuộc đua vũ khí chống vệ tinh. Nguồn: ro8.biz
Chính Mỹ đã khơi mào cuộc đua vũ khí chống vệ tinh. Nguồn: ro8.biz

Cỗ máy tồn tại trên lý thuyết được gọi là Thiết bị đánh chặn Vệ tinh (Satellite INTerceptor - SAINT) và được cho là có thể tiếp cận các vệ tinh của đối phương ở độ cao lên tới 7.400 km. SAINT chụp ảnh bằng máy ảnh nhiệt tích hợp và gửi ảnh về Trái Đất để nhận dạng. Trong 48 giờ, vệ tinh đánh chặn bám theo mục tiêu chờ lệnh và sau khi nhận lệnh, loại bỏ nó. Vẫn chưa có dữ liệu chính xác về cách SAINT tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, tiềm lực công nghệ của Mỹ trong những năm 1950-1960 không thể hiện thực hóa một dự án như vậy và vào năm 1962, dự án đã lặng lẽ chấm dứt.

Việc tiêu diệt tàu vũ trụ theo nguyên tắc “dùng đại bác bắn chim sẻ” - sử dụng thiết bị nổ hạt nhân trên quỹ đạo không gian, nơi vệ tinh được cho là đang treo hoặc bay - dễ dàng hơn nhiều. Vũ khí đầu tiên chống lại vệ tinh của Mỹ xuất hiện vào tháng 12/1962. Khi đó, hệ thống thuộc Chương trình 505 dùng tên lửa đánh chặn Nike Zeus DM-15S không mang đầu đạn hạt nhân được thử nghiệm. Từ đảo san hô Kwajalein, tên lửa bay lên độ cao 560 km và bắn trúng mục tiêu giả định. Trong điều kiện chiến đấu, mỗi tên lửa sẽ gắn đầu đạn hạt nhân 1 megaton, đảm bảo vô hiệu hóa mọi tên lửa đạn đạo hoặc vệ tinh của đối phương trong không gian gần.

Chương trình 505 kéo dài cho đến năm 1966, khi nó được thay thế bằng hệ thống chống vệ tinh tiên tiến hơn: Chương trình 437 dựa trên tên lửa đạn đạo tầm trung Thor, được chuyển đổi để chống vệ tinh.

Ở Liên Xô, hệ thống phòng thủ chống vệ tinh chỉ hình thành vào tháng 3/1967 với việc thành lập Tổng cục Chỉ huy Lực lượng Phòng thủ Tên lửa và Phòng thủ Vệ tinh. Vào thời điểm đó, các cường quốc hàng đầu đã cấm vũ khí hạt nhân trong không gian - điều ngăn cản sự phát triển các công nghệ liên quan.

Tàu vũ trụ chống vệ tinh Kosmos-248 của Liên Xô xuất hiện, được phóng lên vũ trụ vào ngày 19/10/1968 và được bổ sung bởi hai phương tiện nữa, trở thành tàu “kamikaze” (cảm tử) đầu tiên. Liên Xô đã có thể tiêu diệt các vật thể “bất hảo” ở độ cao từ 250-1.000 km, nhưng đến nay, chưa có một quốc gia nào trên thế giới chính thức sử dụng phương pháp này. Năm 2009, một vệ tinh của Nga đã va chạm với một tàu quỹ đạo của NASA đang hoạt động. Người Mỹ dường như đã để mọi việc đã diễn ra có chủ đích, vì tình huống khẩn cấp xảy ra ở độ cao lớn tới như vậy.

 

Lỗ hổng chính

Tại sao các vệ tinh lại trở thành đối tượng của các cuộc tấn công? Trong một thời gian dài, người Mỹ đã trông cậy rất nhiều vào các vật thể không gian - cảnh báo tấn công tên lửa, thông tin liên lạc vệ tinh, chuyển tiếp, trinh sát và dẫn đường. Liên Xô và Trung Quốc, đã lưu ý đến mối đe dọa vệ tinh của Mỹ, nhưng không đánh giá quá cao nó. Tuy nhiên, tại Vịnh Ba Tư vào năm 1991, các vệ tinh đã học cách hướng máy bay tới kẻ thù và tham gia gần như trực tiếp vào chiến sự. Vào thời điểm đó, chỉ có Trung Quốc mới có thể đáp trả mối đe dọa từ vệ tinh của Mỹ và họ đã phát động một cuộc “chiến tranh lạnh” thực sự trong không gian.

Trước hết, đó là cuộc chiến tranh giành quyền sở hữu thông tin. Trung Quốc đã có hai chương trình trong không gian - một chương trình thu thập thông tin, điều khiển, giám sát, liên lạc và tính toán tiên tiến C4ISR (command, control, communications, computers, intelligence, surveillance & reconnaissance) và Chống Từ chối/Chống Tiếp cận (Anti-Denial/Anti-Access - AD/A2) để bảo vệ chống lại các cuộc xâm nhập, cũng như chỉ định mục tiêu cho các lực lượng tác chiến. Đặc biệt, trong hai năm 2007 và 2008, Trung Quốc được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công mạng vào vệ tinh Landsat-7 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Các thiết bị đã bị tắt trong 12 phút, nhưng không thể tiếm quyền điều khiển.

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, các lực lượng tấn công của Lầu Năm Góc lệ thuộc hoàn toàn vào định vị GPS về nhiều khía cạnh đã định trước sự phát triển tiếp theo của các sự kiện. Các vệ tinh quân sự rất quan trọng đối với Lầu Năm Góc, người Mỹ không chiến đấu hiệu quả nếu không có GPS. Trung Quốc và Nga, với tư cách là những đối thủ tiềm tàng, đã quyết định sử dụng điều đó một cách có lợi cho mình và tổ chức phản ứng bất cân xứng nhằm loại bỏ lợi thế quan trọng của đối phương.

Tàu vũ trụ chống vệ tinh hay “vệ tinh sát thủ” lần đầu tiên được phát triển ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000, Nga tham gia cuộc đua một thập kỷ sau đó. Vào năm 2008, Shenzhou-7 có người lái đã phóng vệ tinh trinh thám (inspector satellite) BX-1 vào không gian để kiểm tra các hư hỏng và trục trặc của tàu vũ trụ của Trung Quốc. BX-1 có thể chụp ảnh đồng loại của nó trên quỹ đạo - điều làm quan ngại người Mỹ. 5 năm sau (2013), Trung Quốc đã phóng tàu Shiyan-7 mới, có thể tiến hành sửa chữa đơn giản và thậm chí thay đổi quỹ đạo các vệ tinh khác.

 

Nguy cơ xảy ra các vụ va chạm về lợi ích trên quỹ đạo ngày càng lớn với hậu quả rất khó đoán định. Nguồn: businessinsider.in
Nguy cơ xảy ra các vụ va chạm về lợi ích trên quỹ đạo ngày càng lớn với hậu quả rất khó đoán định. Nguồn: businessinsider.in

Trên thực tế, con tàu này có khả năng đối phó dễ dàng với hầu hết mọi mục tiêu không gian. Năm 2016, Bắc Kinh đã công bố một máy quét quỹ đạo có thể đẩy các vật thể thừa về phía Trái Đất, về hướng đại dương. Trong trường hợp cần thiết, nó cũng có thể “hất” vệ tinh của đối phương khỏi quỹ đạo về Trái đất. Nhưng về mặt logic, tất cả những thứ mới lạ này của Trung Quốc không thể được gọi trực tiếp là vũ khí chống vệ tinh - xét cho cùng, chúng có bản chất dân sự.

Việc phá hủy thành công vệ tinh khí tượng Fengyun vào năm 2007 bằng một tên lửa đạn đạo tầm trung đã đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Nhiều quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia, đã cáo buộc Bắc Kinh khơi mào “chiến tranh giữa các vì sao”. Trung Quốc đáp trả bằng cách cố tình phóng vệ tinh mục tiêu lên quỹ đạo 7 năm sau đó và đánh bật nó khỏi quỹ đạo Trái Đất. Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo tình báo Mỹ, Trung Quốc có công nghệ làm mù vệ tinh do thám bằng tia laser. Các cài đặt mạnh hơn có khả năng làm mất khả năng của tàu vũ trụ. Lầu Năm Góc không loại trừ việc các công nghệ tương tự đang tồn tại trong quân đội Nga.

Phản ứng của Lầu Năm Góc

Năm 2016, Mỹ phát hành tài liệu “War with China. Thinking the Unthinkable” (tạm dịch là “Chiến tranh với Trung Quốc. Nghĩ về những điều không thể tưởng tượng được”) của Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển (RAND), mô tả một kịch bản giả định về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Năm 2025, Trung Quốc, sử dụng rộng rãi tiềm năng không gian của mình, chắc chắn sẽ không chịu khuất phục trước Mỹ, vì vậy không thể nói trước về kết quả của các sự việc. Báo cáo của RAND đã gây ra cơn chấn động tại Mỹ, do các đánh giá tương tự vào năm 2015 cho thấy, Mỹ đã hoàn toàn thống trị trên mọi lĩnh vực.

Tháng 12/2019, Lực lượng Không gian trở thành nhánh độc lập thứ 6 của quân đội Mỹ; đồng thời, Nga và Trung Quốc được coi là đối thủ chính là những kẻ chủ mưu chính của “Chiến tranh giữa các vì sao”. Trong một trong những tài liệu chiến lược quốc phòng năm 2020 của Mỹ, viết: “Trung Quốc và Nga đang sử dụng không gian cho các mục đích quân sự nhằm làm giảm hiệu quả chiến đấu của Mỹ và các đồng minh và thách thức quyền tự do hành động của chúng ta trong không gian. Sự mở rộng nhanh chóng của các hoạt động không gian thương mại và quốc tế càng làm phức tạp thêm môi trường không gian”.

 

Lực lượng Không gian mới Mỹ chưa đạt được thành tựu đáng kể nào trong việc chống lại mối đe dọa từ không gian của Trung Quốc. Nhưng, thứ nhất, thời gian chưa nhiều, và thứ hai, tất cả đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Một trong những sự kiện quan trọng nhất phải kể đến là việc phóng 150 vệ tinh theo dõi tên lửa siêu thanh của Nga và Trung Quốc, sẽ hoàn tất vào năm 2024. Người Mỹ đang đặt hy vọng lớn vào hệ thống vệ tinh QZSS của Nhật Bản, có khả năng kiểm soát toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2020, Nhật Bản đã thành lập trong Lực lượng Không quân bộ phận đặc trách không gian, lúc đầu, có 20 nhân sự, sẽ dần dần mở rộng. Chiến tranh giữa các vì sao dường như đang trở nên thực hơn. Số lượng các quốc gia tham gia câu lạc bộ các cường quốc không gian ngày càng tăng, và kho vũ khí ngày càng được mở rộng. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra các vụ va chạm khó lường về lợi ích nhà nước không chỉ trên đất liền, trên mặt nước và trên không, mà còn trên quỹ đạo, ngày càng lớn với hậu quả rất khó đoán định./.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm