T&T muốn rót nghìn tỷ vào ‘bom tấn’ lương thực miền Nam
Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cho biết mới nhận được duy nhất hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T khi thời điểm cổ phần hoá cận kề.
Dù doanh nghiệp này chỉ đáp ứng được hai trong số ba tiêu chí về năng lực tài chính gồm không lỗ luỹ kế, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản lần lượt đạt ít nhất là 5% và 1%, Vinafood II vẫn đề xuất lựa chọn và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất trình Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh vấn đề tài chính, nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II còn phải cam kết không chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu là 5 năm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.
Theo phương án cổ phần hoá, Vinafood II sẽ bán bớt một phần vốn để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống còn 51%. Nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 125 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ với giá thoả thuận không thấp hơn mức thấp nhất của đợt đấu giá công khai tổ chức vào tháng 3. Giá khởi điểm đợt chào bán công khai là 10.100 đồng cổ phần, do đó tính theo mức thấp nhất thì Tập đoàn T&T phải chi hơn 1.260 tỷ đồng để ôm trọn khối cổ phần này.
Giá trị thực tế của doanh nghiệp do Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) thực hiện tại cuối tháng 3/2015 là 14.277 tỷ đồng, tăng hơn 623 tỷ đồng so với số liệu sổ sách kế toán. Đến cuối năm 2016, Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán nhà nước xác định giá trị doanh nghiệp lần hai và ghi nhận một số điều chỉnh do đánh giá lại khoản đầu tư tài chính dài hạn, chưa xử lý đối với khoản phải trả trước… Giá trị mới của công ty mẹ Vinafood II là 14.610 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 5.380 tỷ đồng.
Vinafood II đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm đầu tiên sau cổ phần hoá lần lượt đạt 11.890 tỷ đồng và 118 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức chưa đầy 2%.
Ban lãnh đạo Vinafood II cho biết, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng về số lượng, công ty sẽ tập trung nguồn lực thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo theo hướng giảm tỷ lệ gạo trắng thông thường, nhằm thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… Đồng thời, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo các dòng sản phẩm gạo thuần chủng, gạo dinh dưỡng. Tổng công ty cũng đẩy mạnh việc thu hồi công nợ, đa dạng các hình thức huy động vốn để giảm bớt sức ép lãi vay từ ngân hàng.
Cuối năm 2015, số lỗ luỹ kế của Vinafood II lên tới gần 950 tỷ đồng, chưa kể số nợ tồn đọng phải thu là 653 tỷ. Tuy thua lỗ nhưng lương bình quân viên chức quản lý tại tổng công ty vẫn đạt gần 30 triệu đồng một tháng và dự kiến sẽ tăng lên gấp rưỡi trong năm 2016, trong khi lương của người lao động chỉ bằng một phần bảy so với lãnh đạo.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty tăng trưởng âm liên tiếp trong bốn năm gần đây. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 ghi nhận 9.951 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 9.000 tỷ đồng so với thời điểm hai năm trước. Bù lại, việc cắt giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp giúp lợi nhuận sau thuế từng bước cải thiện và thoát được cảnh thua lỗ trăm tỷ.
Vinafood II tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam được thành lập năm 1976. Gần mười năm sau, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Tổng công ty Lương thực Trung ương trên cơ sở tổ chức lại nhiều công ty lương thực, vật tư bao bì và xí nghiệp xay xát gạo, bột mì. Vinafood II lúc này trở thành cơ quan đại diện của Tổng công ty tại TP.HCM.
Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, Thủ tướng quyết định thành lập lại Tổng công ty lương thực miền Nam và thực hiện công cuộc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con sau đó mười năm.
Song hành với sự tăng cường về quy mô và cơ cấu, Vinafood II cũng mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chế biến và xuất nhập khẩu lương thực, bột mì, cá cơm… Tổng công ty hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên thế giới với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 2,8-3,0 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo