Tin tức - Sự kiện

Covid-19: “Kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ” và những ước ao của cô giáo Tây Nguyên

DNVN – Sau “kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ” do Covid-19, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng đã chia sẻ ước ao ngày trở lại trường, các học sinh nữ sẽ khoe đã biết nấu những món ngon cho bữa cơm gia đình, biết giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp; còn các bạn nam thì đã cảm nhận được bao nỗi nhọc nhằn, khó khăn của cha mẹ trong công việc chăm sóc ruộng, vườn…

Chủ tịch Thừa Thiên Huế gửi “tâm thư” đến du khách trong mùa Covid-19 / Chủ tịch Thừa Thiên Huế gửi thư cho du khách nước ngoài đang bị cách ly do dịch Covid-19

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng (Trường THCS Chu Văn An, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã có những chia sẻ về ước ao của cô trong những ngày học sinh nghỉ học sau "kỳ hè bất đắc dĩ" kéo dài suốt hơn hai tháng qua.

Những ngày nghỉ Tết cổ truyền vừa khép, cô trò chúng tôi lại hồ hởi đến trường. Ai cũng chuẩn bị những lời chúc tốt đẹp cho ngày đầu năm mới để dành tặng nhau. Ấy thế mà, đột ngột, chúng tôi phải thực hiện một kỳ “nghỉ hè” ngay chớm đầu xuân!

Rồi cứ ngỡ và tự nhủ: Sẽ ngắn thôi, sẽ lại gặp nhau thôi, sẽ cùng nhau những ngày tháng vui vẻ dưới mái trường như vốn có tự thủa mình còn thơ ấu thôi. Vậy mà…


Tác giả (mặc áo dài, ngồi giữa) mong "kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ" qua mau để trở lại trường lớp với học trò thân yêu

Các thầy cô giáo đang mong cho "kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ" qua mau để sớm được trở lại trường lớp với học trò thân yêu.

Hôm qua, ngang trường, thấp thoáng trên từng tán phượng già đã rực rỡ những chùm bông đỏ rực. Nhiều lắm! Chả là đã chớm những ngày hè rồi còn gì! Chợt có một sức mạnh nào dó bỗng níu chân người. Trầm ngâm trước cổng trường, nỗi nhớ cứ cồn cào, mênh mang.

Vẳng đâu đây tiếng cười trong trẻo của bọn trẻ, những tiếng cười – mà trong thanh âm ấy, người ta chỉ cảm nhận được những âm thanh hồn nhiên, trong ngần, thánh thiện.

Cũng thấp thoáng đâu đó, những ánh mắt tinh nghịch mà chất chứa bao yêu thương của bọn trẻ trong những giờ lên lớp cũng hiện ra. Rõ, rõ lắm. Bất giác, miệng nở nụ cười thật tươi như thể để đáp lại tình yêu của “bọn nhóc”!

Trầm ngâm trước cổng trường hồi lâu rồi quay về mà lòng trĩu nặng. Không biết trong suốt hơn hai tháng qua, bọn trẻ của chúng tôi cảm nhận thế nào về “kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ” này nhỉ(?) Các con là học sinh vùng nông thôn nên chẳng thể thuận lợi cho việc học trực tuyến hay đủ tự giác dõi theo các bài giảng của thầy cô trên sóng truyền hình. Tôi biết! Tuy nhiên, trong sâu thẳm, tôi vẫn hy vọng các bạn ấy sẽ tự tích lũy được những bài học giá trị hơn từ cuộc sống - những bài học mà trong những giờ lên lớp, chúng tôi dù có tích hợp trong từng bài giảng thì cũng chỉ là lý thuyết!

Tôi hy vọng, ngày trở lại trường, các em gái sẽ khoe với tôi rằng: “Cô ơi, con đã biết nấu bao món ngon cho bữa ăn gia đình để bữa tối, khi bố mẹ đi làm về là chỉ việc dùng bữa chứ không vất vả như mọi khi đó cô!”. Đứa khác lại tranh bạn: “Còn con đã biết thay mẹ sắp xếp đồ đạc trong nhà, lau dọn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp rồi cô ạ”.

Rồi khi tiếng lao nhao tranh nhau của các bạn nữ đã dứt, tôi sẽ được nghe tiếng trầm ấm, rất “người lớn” của các em nam, rằng các bạn ấy đã cảm nhận được bao nỗi nhọc nhằn của cha mẹ trong công việc chăm sóc những rẫy cà phê, những vườn bơ, vườn mít hay sầu riêng mà các bạn chưa bao giờ thấu cảm được; rằng những ngày tháng hai, với tiết trời nắng hạn, khi những cơn mưa đầu mùa đến muộn, cha mẹ đã phải vất vả thế nào trong việc dẫn nước về vườn, tưới tắm cho những cành cà phê vừa bắt đầu đơm quả; rằng các bạn cũng cảm nhận được những âu lo trĩu nặng của mẹ cha khi mùa thu hoạch bơ đã đến mà khả năng tiêu thụ lại “khiêm tốn” vô cùng giữa mùa dịch bệnh…

Tôi cũng hy vọng, có bạn nhỏ nào đó lại thủ thỉ: “Cô ơi, những ngày ở nhà chống dịch, mỗi lần nghe tin thời sự hoặc đọc trên mạng xã hội những thông tin, những hình ảnh các chú Bộ đội “lên rừng”, nhường doanh trại cho đồng bào “cách ly”; hằng ngày lo đủ đầy những bữa cơm phục vụ cho bà con mà khóe mắt con cứ cay cay. Nhìn hình ảnh các Bác sĩ, Y tá ngược xuôi, tất bật trên tuyến đầu chống dịch, cảm xúc trong con cứ lặng lại, có những lúc con không giấu được nước mắt của mình với bao ngưỡng mộ, kính phục, yêu thương. Và con cũng không khỏi nghe lòng rưng rưng khi được biết các cô chú “mạnh thường quân” trên mọi miền Tổ quốc cùng chung tay chia sẻ để những người có thu nhập thấp, mất việc trong mùa dịch không phải chịu cảnh đói ăn, thiếu mặc,…”.

Để rồi lắng trong câu chuyện lúc bổng, lúc trầm của bọn trẻ, tôi cũng hòa theo: “Bởi vậy nên chúng mình tự hào lắm về đất nước mình phải không các con? Cô nghĩ, giờ thì các con đã cảm nhận được nghĩa tình sâu xa trong hai tiếng “đồng bào” mà nhân dân ta thương dùng để gọi nhau, đúng không nào?”

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng (tác giả bài chia sẻ) trong vòng tay của học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng (cầm hoa - tác giả bài chia sẻ) bên học trò.

Và còn, còn nhiều lắm những hy vọng của tôi từ sự trưởng thành của các con về những bài học quý báu cần được nhận ra từ cuộc sống, từ chính con tim và khối óc của các con mách bảo chứ không chỉ là những con chữ trên trang sách mà chúng tôi mang đến qua những giờ đến lớp. Đó là những bài học thực tiễn về tình yêu thương, sự sẻ chia trong gian khó; bài học về đức hy sinh, về tình cảm gia đình, về tình yêu Tổ quốc,…

Bao ước ao cứ miên man mãi trong tôi trên lối về.

Ngày hôm nay, mong rằng chỉ ngày hôm nay nữa thôi, những ngày thực hiện “cách ly toàn xã hội” để phòng chống Covid-19 sẽ khép lại. Trong niềm mong mỏi chung như tất cả mọi người, tôi mong dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, những ngày bình yên sẽ trở về cho toàn nhân loại nói chung và cho đất nước mình nói riêng, để nhịp bước trẻ thơ lại tung tăng trên khắp nẻo đến trường, để tiếng cười trong trẻo và ánh mắt yêu thương của các con lại đến với tôi và đồng nghiệp, bằng hiện thực chứ không còn là trong hoài tưởng miên man.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng (Trường THCS Chu Văn An, Bảo Lộc, Lâm Đồng)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm