Hiểm hoạ cháy nổ - nỗi lo thường trực
Thu ngân sách tăng 4,5% dự toán nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái / Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội
Đặc biệt là ở những chung cư cao tầng, thiệt hại lại càng lớn. Trong bối cảnh công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, song hành với đó là tình trạng lơ là, thậm chí là buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở không ít nơi, ẩn họa mà “giặc lửa” gây ra lại càng là nỗi lo thường trực đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là trong cao điểm mùa khô và sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy đêm 6/9/2022 tại quán karaoke An Phú ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 32 người chết. Gần một năm sau, cả nước lại rúng động trước thảm hoạ vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân làm 56 người chết vào đêm ngày 12, rạng sáng 13/9/2023. Những con số đau lòng về người chết, người bị thương bởi “bà hỏa” gây ra khiến cả xã hội thương tâm. Nhưng ám ảnh hơn sau nỗi đau, là hệ luỵ dẫn đến các vụ cháy này, dường như có trách nhiệm từ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho vi phạm từ một bộ phận cán bộ ở cơ sở.
Vụ cháy quán karaoke An Phú đã hé lộ nhiều sai phạm. Trong đó, Nguyễn Văn Võ, cựu cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Thuận An đã bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyễn Văn Võ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đối với quán karaoke An Phú. Tuy nhiên, Võ đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với quán này. Thậm chí, sau hỏa hoạn, để né tránh trách nhiệm, Võ lập khống 3 biên bản kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trong năm 2021 và 2022 rồi đưa cho quản lý quán An Phú ký vào.
Vũ Trường Sơn, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương được phân công nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ sở karaoke An Phú và lập bảng đối chiếu theo quy chuẩn. Sơn phát hiện hồ sơ thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của quán có một số nội dung chưa đảm bảo nhưng "vẫn báo cáo lãnh đạo là quán này đủ điều kiện thẩm duyệt, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động".
Trong vụ cháy này, nguyên Phó Trưởng Công an phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương Phạm Quốc Hùng cũng bị khởi tố điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong vụ cháy chung cư mi ni tại phố Khương Hạ, mới đây, Công an Thành phố Hà Nội đã xác định, có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ trong thảm hoạ này và do đó sẽ tiến hành khởi tố các cán bộ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước. Các sai phạm trong quá trình xây dựng chung cư này đã được chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để đã làm cho công trình tiếp tục tồn tại và xây dựng vượt quá 4 tầng so với giấy phép, tạo nên những vấn đề về phòng cháy, chữa cháy không thể giải quyết và như dư luận phản ánh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ đêm 12/9 khiến 56 người chết.
Theo Bộ Công an, năm 2023, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thống kê mới đây của lực lượng chức năng cho thấy, toàn quốc xảy ra hơn 3440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương hơn 109 người. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 371 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong đó, nhiều vụ cháy lớn xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh và nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do sự cố hệ thống, thiết bị.
Những con số đáng lo ngại nói trên, cũng như hàng loạt vụ hỏa hoạn trong những năm gần đây ở các thành phố lớn, các địa phương gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, cho thấy, cháy nổ xảy ra là điều không ai mong muốn. Lực lượng chức năng, các phương tiện truyền thông, báo chí đã truyền tải rộng rãi đến từng người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính quyền cơ sở và từng người đứng đầu mỗi đơn vị về hiểm họa, nguy cơ của “bà hỏa” để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Vấn đề đặt ra là ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định, pháp luật về phòng, chống cháy nổ của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cả các lực lượng chức năng ở cơ sở.
Song hành với việc nâng cao nhận thức, ý thức của tất cả cá nhân, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, địa phương phải là việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm liên quan. Đây là hai đòi hỏi tất yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra.
Trước những hiểm hoạ tiềm ẩn từ “bà hỏa”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công mới đây đã cảnh báo: Những việc như vụ cháy Khương Hạ là hệ quả tất yếu xảy ra, chỉ ngày một ngày hai, thời gian nào thôi. Qua khảo sát các khu chung cư tại Hà Nội rất đáng lo ngại, như khu Chung cư HH tại Linh Đàm, nếu không may xảy ra cháy nổ, thiệt hại sẽ rất nặng nề. Mấy chục nghìn người ở trong khu đất rất hẹp, bình thường thôi người dân sáng đi làm hay chiều đi về đã tắc thang máy rồi, nếu xảy ra cháy, sẽ thoát đường nào? Cũng có thang thoát hiểm nhưng lượng người đông, dồn nhau vào đấy sẽ xảy ra giẫm đạp, hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra, chúng ta có biện pháp xử lý không? Chính quyền có biện pháp gì, hay có giảm tải dân số được không? Đây là khu khả năng cháy nổ rất cao, cần làm rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu”.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, nguyên nhân cháy nổ do chập cháy điện rất nhiều, có những khu vực chiếm 80%. "Đầu tiên, chất lượng các thiết bị điện có vấn đề, thiết bị rởm, không đủ tiêu chuẩn, dùng một thời gian chập điện, cháy nổ. Vậy, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, chất lượng sản xuất đối với thiết bị điện như thế nào? Cần chặt chẽ, có tiêu chuẩn rõ ràng, có kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh”, ông Hoàng Anh Công nêu ý kiến.
Mới đây, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến và thông qua các dự án luật, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, các nguồn lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong năm 2024.
Dân gian vẫn thường ví “nhất thủy, nhì hỏa". Những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người là cực kỳ nguy hiểm. Chủ quan với bất kỳ lý do nào trước “giặc lửa”, khi hiểm hoạ xảy đến, sự hối hận cũng đã quá muộn màng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo