Điểm tin Covid-19 8h sáng 6/2: Tin vui đầu ngày và nỗi buồn trĩu nặng nông dân vùng dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế: Gia Lai cần kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tỉnh / Điểm tin Covid-19 tối 4/2: Không phải mọi người dân tại các tỉnh, thành có dịch đều thuộc diện cách ly y tế
2 tin vui đầu ngày
Bản tin 6h ngày 6/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay vẫn là 394 ca.
Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai khảo sát thực tế tại các cơ sở điều trị của Điện Biên để lên phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị tại địa phương (Ảnh: SKDS)
Một tin vui khác, đó là có 3 bệnh nhân tại Điện Biên đã âm tính với COVID-19. Trong đó có mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân học tại Đại học sư phạm Hà Nội (số 136 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) và trường Trung học Phổ thông Trí Đức (ngõ 63 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trước đó, để hỗ trợ Điện Biên chống dịch, sáng 5/2, Bộ Y tế đã cử lực lượng tinh nhuệ của Bộ bao gồm các chuyên gia chống dịch và điều trị hàng đầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.
Các chuyên gia sẽ giúp đỡ ngành y tế Điện Biên giám sát dịch tễ, các hoạt động đáp ứng dịch, xét nghiệm và thiết lập hệ thống điều trị.
Và nỗi buồn của nông dân vùng dịch
Rau, hoa phục vụ Tết vốn được xem là “đặc sản” của tỉnh Gia Lai nay lại đang lao đao do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chỉ tính riêng tại TP. Pleiku có gần 200 ha rau, hoa cung cấp nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tiêu thụ cũng khó khăn do dịch COVID-19. Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, giá thương lái thu mua của người dân hiện chỉ còn đảm bảo được 50% so với giá thành sản xuất.
Để tháo gỡ khó khăn, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đối với các mặt hàng hoa và rau, củ, hàng tươi sống mà nông dân đầu tư phục vụ Tết, tỉnh Gia Lai sẽ có kế hoạch vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, sẽ ưu tiên vận động mua ủng hộ các mặt hàng không kéo dài thời gian thu hoạch như hoa, rau.
Trong dịp Tết này, người Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam để chung tay "giải cứu" những loại nông đặc sản đang bị đóng băng giúp bà con vùng dịch.
Tại Quảng Ninh, theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 5/2, các khu vực bị phong tỏa như TP. Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái đang còn số lượng lớn sản phẩm trồng trọt đến kỳ thu hoạch, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đến kỳ xuất bán… cần được tiêu thụ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Theo đó, 2.000 gốc đào của Vân Đồn; gần 20 triệu cây hoa cúc, lay ơn, violet, thược dược; gần 1.000 tấn hành, tỏi, củ đậu, sắn dây ở TP. Hạ Long và thị xã Quảng Yên đang cần xuất bán.
Lượng sản phẩm chăn nuôi lớn vốn được xem là nguồn cung quan trọng cho dịp Tết Nguyên đán lên đến trên 4.000 con bò, gần 10.000 con lợn và trên 200.000 con gia cầm cùng sản lượng trứng gia cầm tại các vùng Đông Triều, Tiên Yên chưa có đầu mối thu mua. Cùng với đó, hàng chục ngàn tấn cá, sản phẩm thủy sản thương phẩm là cá biển, cá nước ngọt, nhuyễn thể, tôm cũng đã đến thời điểm cần bán.
Được biết, thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương và Quảng Ninh là Hà Nội, Hải Phòng (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối…).
Tuy nhiên, việc hạn chế đi vào địa bàn có dịch nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản. Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương, các doanh nghiệp, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại dịch và phải cách ly.
Đến nay, Việt Nam đã có 12 địa phương có dịch, nghĩa là tình hình tiêu thụ nông đặc sản vào dịp Tết ở các nơi khác cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như Gia Lai, Hải Dương, Quảng Ninh… Và đây là nỗi buồn đang trĩu nặng trên vai người dân nơi đây.
Hôm qua, khi đang cùng đoàn công tác của Bộ Y tế chi viện cho Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, nói rằng: “Chí Linh vì cả nước. Cả nước vì Hải Dương. Chống dịch ở Chí Linh, Cẩm Giàng là bảo đảm an toàn cho cả nước”.
Cả nước vì Hải Dương, vì các địa phương có dịch cũng chính là bảo đảm an toàn cho cả nước. Và hiện giờ ngoài việc hỗ trợ phòng chống dịch thì không gì thiết thực bằng trong dịp Tết này, mỗi người, mỗi nhà hãy ưu tiên sử dụng hàng Việt, đặc biệt là những loại nông đặc sản đang bị “đóng băng” tại các địa phương có dịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo