Thất nghiệp do Covid-19: Người cầm đồ sống qua ngày, người khởi nghiệp bán hàng online chờ tan đại dịch
Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phòng dịch COVID-19 nhưng phải duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh / Lâm Đồng: Một người Trung Quốc cách ly tại cơ sở y tế âm tính với Covid-19
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, dựa trên báo cáo của 22 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, do ảnh hưởng của Covid-19, đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, số lao động bị mất việc là 1.027 người, chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%).
Do Covid-19, Đà Lạt vắng khách du lịch, nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch ế ẩm phải đóng cửa, nhân viên thất nghiệp
Còn theo số liệu của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, 3 tháng xảy ra dịch bệnh Covid-19 đã có trên 200 doanh nghiệp, trên 10.000 lao động, chủ yếu ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng. Đặc biệt có 1.800 lao động thất nghiệp đã làm thủ tục và được giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Các con số thống kê trên chỉ mang tính chất sơ bộ, còn nếu có một cuộc thống kê đầy đủ, chi tiết từng ngành nghề, từng “ngóc ngách” của các loại hình lao động, thì chắc chắn con số lao động thất nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều. Đồng nghĩa với đó là cuộc sống của biết bao con người, bao gia đình phải rơi vào cảnh túng quẩn, lao đao, gây nhiều hệ luỵ cho xã hội, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Chia sẻ với phóng viên, một số lao động ở tỉnh Lâm Đồng cho biết, do bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc mất việc tạm thời, không có thu nhập, không ít người đã phải tìm đến tiệm cầm đồ cầm cố một số món đồ có giá trị, như: Điện thoại, xe máy, laptop… để lấy tiền trang trải cuộc sống trong khi chờ đi làm lại.
Anh Nguyên, quê ở Phú Yên, là nhân viên một khách sạn lớn tại TP. Đà Lạt cho biết, do Covid-19, không có khách du lịch lưu trú nên chủ khách sạn đành cắt giảm dần nhân viên và cuối cùng cũng đến lượt anh phải nghỉ việc.
“Mới từ quê lên sau Tết, giờ về quê thì cũng chẳng biết làm gì để sống nên tôi quyết định bám trụ lại Đà Lạt chờ khi hết dịch sẽ đi làm lại. Không đi làm nên phải ăn cơm hàng quán, mấy triệu dằn túi chẳng mấy chốc hết sạch. Tôi vừa phải mang xe máy ra tiệm cầm đồ cắm lấy 5 triệu tiêu đỡ qua ngày. May mà không có khách, chủ khách sạn thương tình cho ở nhờ nên cũng đỡ bớt phần nào chứ không thì chết nữa”, thanh niên nói giọng miền Trung đặc sệt này chia sẻ.
Khắp nơi khách sạn để bảng còn phòng; nhiều nơi ế ẩm "cầm cự" không nỗi đã phải bán hoặc cho thuê lại
Chị Xuân, nhân viên một khu du lịch tại TP. Đà Lạt cũng cùng cảnh ngộ. Chị cho biết, Đà Lạt gần như có khách tham quan du lịch quanh năm, nên khu du lịch nơi chị làm việc có đến gần cả trăm nhân viên, với chế độ đãi ngộ khá cao. Nào ngờ, từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lượng khách sụt giảm, cả tháng nay không có ai đến tham quan, ông chủ ở luôn dưới TP. HCM không buồn lên, nhân viên thì sa thải dần dần, chỉ giữ lại vài người để trông nom, chăm sóc cảnh quan.
“Bạn trai mình mới đây cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Lúc đầu hai đứa định về quê nhưng quê để đỡ chi phí nhưng mỗi đứa một nơi nên quyết định ở lại chờ hết dịch sẽ đi làm lại. Miệng ăn núi lở, rảnh rỗi lại sinh chuyện cãi cọ, nên hai đứa quyết định cầm bớt một chiếc xe máy lấy 10 triệu đồng làm vốn “khởi nghiệp”, hàng ngày mua rau, củ, quả, hoa tươi Đà Lạt gửi về quê bán kiếm lời. Lúc rảnh tôi lên mạng giới thiệu, livestream bán online thêm được đồng nào hay đồng nấy chứ dịch bệnh như thế này làm cái gì cũng khó khăn hết”, chị Xuân chia sẻ.
Hoàn cảnh của vợ chồng anh Phước, công nhân may tại xí nghiệp dệt may tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), còn bi đát hơn. Mới từ Ninh Thuận chuyển lên Bảo Lộc lập nghiệp chưa lâu thì vợ anh sinh đứa con thứ hai. Khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch bệnh, trường mầm non đóng cửa, vợ anh buộc phải nghỉ việc ở nhà chăm con, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai anh.
“Mới đây, công ty thông báo, nguyên liệu dự trữ sắp hết, nhưng do dịch bệnh, không thể nhập về thêm nên phải cắt giảm lao động. Từ hàng trăm công nhân giờ công ty cắt giảm còn 1/3 và tiếp tục cắt giảm tiếp. Những hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi, công ty ưu ái cho xếp sau. Nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài như thế này, chắc cũng tới lúc công ty phải dừng sản xuất, tới lúc đó tôi cũng phải thất nghiệp, không biết sẽ phải xoay sở thế nào”, người đàn ông 2 con trông già hơn so với cái tuổi 38, lo lắng chia sẻ.
Theo ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Trong đó, doanh thu ngành dịch vụ - du lịch ước giảm 40%, ngành giao thông vận tải giảm 32%, xăng dầu giảm 15-20%, ngân hàng bị ảnh hưởng 1.673 nghìn tỷ đồng, sản phẩm nông nghiệp giảm giá đến 40%... Trong đó, ngành du lịch dịch vụ, cụ thể là hàng ăn uống và lưu trú là thiệt hại nhiều nhất, với khoảng 80% lượng khách sụt giảm dẫn đến thất thu ở các loại hình dịch vụ… làm ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất rau, hoa và các mặt hàng truyền thống của địa phương chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ thì hiện một số doanh nghiệp như dệt may, sợi… nguồn nguyên liệu chỉ đủ cung ứng nhu cầu sản xuất đến tháng 4/2020. Đây là một trong những trở ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp. Và nếu sản xuất, kinh doanh tiếp tục “đứng bánh”, không biết rồi hàng ngàn, hàng vạn người lao động sẽ phải đi về đâu?.
End of content
Không có tin nào tiếp theo