Tin tức - Sự kiện

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng?

Tính đến ngày hôm nay, mới chỉ có hơn 10% nhóm đối tượng người lao động tự do ở TP.HCM được nhận số tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Sáp nhập hộ nghèo: "Cõng" thêm người thân cán bộ để chia đôi cái nghèo / Tuyệt đối cấm sử dụng thuốc phiện, chế phẩm từ thuốc phiện trong y học và đời sống

Nhiều người dân buôn gánh bán bưng ở góc đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển quận Tân Bình cho biết, đầu tháng 4, thực hiện giãn cách xã hội, họ không thể buôn bán gì được và phải ngừng buôn bán. Sau khi trở lại bán hàng, nhưng vẫn rất ế ẩm. Chi phí sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà trở thành áp lực lớn, đời sống rất khó khăn với nhiều người.

Ảnh minh họa.

Khi biết có chính sách hỗ trợ cho những người khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 của TPHCM và Chính phủ, họ rất mừng. Thế nhưng hồ sơ và thủ tục xin nhận hỗ trợ của những người tạm trú tại TP.HCM không hề dễ dàng.

Người tạm trú: Phải có xác nhận của nơi thường trú

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Lao động tự do thuộc nhóm đói tượng hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng Covid-19

Theo quy định họ phải gửi đơn về quê có xác nhận của nơi thường trú là chưa nhận bất cứ gói hỗ trợ nào. Sau đó gửi kèm theo hồ sơ và xác nhận của nơi tạm trú tại TPHCM thì UBND phường mới tiếp nhận đơn.

 

Nhiều người đến cư trú, làm ăn sinh sống tại TPHCM nhưng gửi hồ sơ về quê tại các tỉnh xác nhận sẽ mất thời gian lâu nên ngại làm và bỏ luôn. Hồ sơ không đầy đủ nên không được hưởng chế độ hỗ trợ.

Về vấn đề này, một số quận huyện đã có điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hơn.

Cụ thể, như tại quận Bình Tân, phòng Lao động Thương binh Xã hội cho biết vừa phải điều chỉnh quy định, người dân tạm trú tại TPHCM có thể thực hiện bằng 1 trong hai cách. Gửi đơn về nơi thường trú xác nhận chưa nhận tiền hỗ trợ tại quê và sẽ nhận hỗ trợ tại nơi tạm trú ở TPHCM. Hoặc Nơi tạm trú ở TPHCM sẽ gửi xác nhận về quê (nơi người dân có hộ khẩu thường trú) để họ có thể nhận ở quê.

Thế nhưng, xác nhận của nơi thường trú chưa phải là yêu cầu duy nhất làm khó người dân.

Thu nhập thời gian nghỉ dịch dưới chuẩn cận nghèo

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người này phải thực hiện việc kê khai mức thu nhập từ trước và trong khi nghỉ dịch. Tuy nhiên, đa số người dân kê khai mức thu nhập thời gian nghỉ dịch cao, nhầm với thời gian thu nhập trước khi nghỉ dịch. Đây là lý do hồ sơ của họ bị trả về, không được duyệt.

Theo ông Đoàn Văn Đủ, Trưởng phòng Lao động thương binh Xã hội quận Tân Bình, hiện nay quy định mức thu nhập để xem xét hỗ trợ theo quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ dựa theo chuẩn cận nghèo. Cụ thể, điều kiện được xem xét hỗ trợ là thu nhập của người lao động thời gian nghỉ dịch phải thấp hơn chuẩn cận nghèo của TP.HCM, là 3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nhiều người dân kê khai mức thu nhập từ trước khi có dịch, cao hơn quy định này, nên hồ sơ phải trả về để kê khai, xác minh lại.

Tìm hiểu tại UBND phường 2 quận Tân Bình, trong số hơn 900 hồ sơ người dân gửi lên phường, hiện đã mới 160 hồ sơ được phường điều chỉnh, bổ sung hoàn thành gửi lại lần thứ 2.

Lý giải về sự chậm trễ này, phường cho biết, để đảm bảo đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, nên quy trình thực hiện phải đảm bảo các bước đúng quy trình.

 

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Các bước xác minh hồ sơ - thủ tục hỗ trợ người vì ảnh hưởng COVID-19

Theo báo cáo của quận Tân Bình cho biết, hiện quận đã chi trả hỗ trợ gần 800 người (đạt dưới 10%).

Từ ngày hôm qua (2/6), hội đồng nhân dân quận đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại 15 phường, đảm bảo chi trả đúng đối tượng, kịp thời sớm xác minh hồ sơ giải quyết trước ngày 15/6.

Ông Huỳnh Thanh Tới, trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội quận Bình Tân cho biết, tại quận thống kê có 16.300 trường hợp thuộc nhóm lao động tự do. Tuy nhiên sau khi thực hiện kê khai hồ sơ theo quy định, các phường đã nộp hơn 4.000 hồ sơ lên quận. Và đến nay đã giải quyết hơn 1.300 hồ sơ (khoảng 10%).

Hiện quận còn khoảng 2.900 hồ sơ đã được trả về các phường để điều chỉnh đúng quy định. Trong đó, đa số điều chỉnh và xác định rõ mức thu nhập thời gian nghỉ dịch thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của thành phố.

 

Thống kê mới nhất của Sở lao động thương binh xã hội TPHCM theo báo cáo của các quận huyện, hiện nay mới một số quận huyện có mức thực hiện chi trả khá tốt là:

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng? - Ảnh 3.

15 quận huyện còn lại mới chi trả ở mức thấp từ 2% đến hơn 20%.Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn ít nhất 5 quận chưa có người lao động phi hợp đồng nào (trong nhóm đối tượng phi nông nghiệp) được nhận tiền hỗ trợ do vẫn đang xác minh và điều chỉnh hồ sơ. Đó là các quận 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Thạnh.

TPHCM: hạn chót hoàn thành hỗ trợ 20/6

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM cho biết, tính đến ngày hôm nay, mới chỉ có hơn 10% nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động nhưng bị mất việc làm (lao động tự do) được nhận số tiền hỗ trợ, trong tổng số 284.000 người thuộc nhóm lao động phi chính thức.

Theo báo cáo của 24 quận huyện, khó khăn chính là do lao động chân tay trình độ không cao nên dù địa phương hướng dẫn, thì nhiều trường hợp vẫn gặp khó khăn, thậm chí ngại gửi hồ sơ xác nhận về địa phương nơi cư trú.

 

Tránh chồng chất hoặc 1 người được hưởng 1 chế độ hỗ trợ

Tuy nhiên, đây là nguyên tắc bắt buộc vì có những người có thể nằm nhiều trong nhiều đối tượng được hỗ trợ khác nhau. Do đó, họ sẽ được hưởng mức hỗ trợ của nhóm cao nhất.

Hiện nay, theo Nghị quyết 42 của Chính phủ (9/4/2020) và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ thuộc các nhóm nhà nước hỗ trợ như:

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng? - Ảnh 4.

Theo Sở Lao động thương binh xã hội, nguyên tắc thực hiện hỗ trợ khó khăn cho người dân là, nếu một người thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ thì sẽ được hỗ trợ gói cao nhất. Ví dụ, một hộ vừa là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; vừa thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; vừa thuộc đối tượng lao động tự do thì họ sẽ được hỗ trợ chế độ cao nhất là Lao động không có hợp đồng, mức cao nhất (1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng).

Hiện nay, một số quận tại TP.HCM như Bình Thạnh, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Quận 2, … đã thực hiện khá tốt việc hỗ trợ với các nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, nhiều quận huyện việc hỗ trợ 3 nhóm đối tượng còn thấp, là:

 

1. Nhóm Lao động tự do

2. Nhóm Giáo viên mầm non ngoài công lập

3. Nhóm Tạm ngưng, hoãn thực hiện hợp đồng lao động (do các DN nhỏ tạm ngưng kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19)

Sở Lao động Thương binh xã hội TPHCM cho biết, đã yêu cầu tất cả các quận huyện khẩn trương rà soát, hoàn tất thủ tục hỗ trợ người dân. Chậm nhất đến ngày 20/6 phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho tất cả các nhóm đối tượng; trước ngày 30/6, sẽ kết thúc đợt hỗ trợ và báo cáo UBND và HĐND TPHCM.

Vì sao TP.HCM còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận tiền hỗ trợ 62.000 tỷ đồng? - Ảnh 5.

Khoảng 50% giáo viên mầm non ngoài công lập được nhận hỗ trợ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm