Tin tức - Sự kiện

VINASME: Vài 'khoa học' với... đại dịch Covid-19

DNVN – Doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng chính là động lực lớn cho sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sau các tác động của đại dịch Covid-19.

Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp không trả sổ bảo hiểm? / Giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay để gỡ khó cho doanh nghiệp hàng không

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đến DNNVV”.
Theo giới thiệu của nhà tổ chức, hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam.
Tham gia hội thảo có lãnh đạo VINASME, lãnh đạo ADB, một số đại biểu đến từ Ngân hàng Nhà nước, một số Bộ, một số ngân hàng, một số DNNVV, một số chuyên gia kinh tế, tài chính – ngân hàng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Phương.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Phương.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME – cho biết, VINASME và ADB phối hợp với Nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với một số doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực là: Vận tải, Du lịch và Tiểu thương.
Theo ông Nam, nội dung chính của hội thảo diễn ra sáng 26/11 là giới thiệu báo cáo khảo sát, đánh giá nói trên và lấy ý kiến tham vấn, phản biện từ những người tham gia hội thảo để hoàn thiện báo cáo.
Tiến sĩ Võ Cường – Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo – trình bày sơ lược những kết quả thu được sau hai tháng thực hiện chương trình khảo sát (từ 29/7 đến 27/9).
Tiến sĩ Võ Cường trình bày về báo cáo khảo sát tại hội thảo.

Tiến sĩ Võ Cường trình bày về báo cáo khảo sát tại hội thảo.

Ông Cường cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến doanh thu của các doanh nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vận tải, du lịch và tiểu thương Việt Nam. Đồng thời, ý kiến đánh giá của doanh nghiệp đối với các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ cũng được khảo sát, thu thập.
Trên cơ sở các dữ kiện khảo sát được, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó đáng chú ý là nhấn mạnh gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo là cần thiết để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đánh giá cao các nội dung và kết quả ban đầu của báo cáo nói trên, trong đó có những điểm khác biệt, độc đáo so với các báo cáo khác về cùng chủ để này như: Tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – những đối tượng gặp khó khăn nhất và dễ bị tổn thương nhất do tác động của dịch Covid-19, hay đề cập đến yếu tố giới (nữ lao động, nữ cán bộ) trong các doanh nghiệp được khảo sát…
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra các thiếu sót, hạn chế cần khắc phục của báo cáo. Tiến sĩ Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế – đánh giá rằng, báo cáo này cơ bản tương đồng nhiều điểm với các báo cáo khác về tác động của Covid-19 đến kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Thành cho rằng, thiếu sót lớn nhất của báo cáo nói trên là chưa đề cập đến cách phản ứng của doanh nghiệp đối với các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Một số ý kiến khác cho rằng báo cáo cần toàn diện hơn khi nên nghiên cứu thêm về các tác động tích cực của Covid-19 đến các doanh nghiệp như: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh, thay đổi cách quản trị chi phí cho hiệu quả hơn…
Cũng tại hội thảo, sáng kiến về đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia đối với DNNVV được nêu trong phần khuyến nghị của báo cáo và phần tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đa số các ý kiến cho rằng đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng là có cơ sở, có thể có tác động tích cực giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, song việc có thể hiện thực hóa điều này không đơn giản khi còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện có liên quan.
Đại diện cho nhà tài trợ phát biểu tại hội thảo, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam – đánh giá DNNVV là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng chính là động lực lớn cho sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sau các tác động của đại dịch Covid-19. Lãnh đạo ADB tại Việt Nam cho biết, có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, và quan trọng là làm sao để biến các sáng kiến này thành hiện thực.

Ngọc Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm