Tin tức - Sự kiện

Xử lý nghiêm khắc những chuyến xe nghĩa tình trá hình “cắt cổ” người dân về quê tránh dịch

DNVN - “Tối qua, xe đến cửa hàng xăng, tui bước xuống thấy dòng chữ trên băng rôn lòng thấy hoài nghi. Tui hỏi xe thu tiền nhiều, sao viết là "Xe 0 đồng", nhưng tài xế không trả lời mà cứ cười cười”, một người dân Thừa Thiên Huế đi trên chuyến xe nghĩa tình trá hình chở từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh về quê nói.

Thừa Thiên Huế lên tiếng về việc 26 công dân về từ TP.HCM không thể xuống Ga Huế / Thừa Thiên Huế đón công dân đang cách ly tại Quảng Trị về địa phương

Xe nghĩa tình trá hình hút máu đồng bào ngày dịch

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1063 với tinh thần “Ai ở đâu ở đấy”, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện có nhiều xe dịch vụ đưa người từ các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, về quê dưới danh nghĩa "Xe 0 đồng", "Xe miễn phí", “Xe nghĩa tình”, nên đã vào cuộc tìm hiểu để làm rõ.

nhiều xe dịch vụ đưa người từ các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, về quê dưới danh nghĩa "Xe 0 đồng", "Xe miễn phí", “Xe nghĩa tình”,

Những chiếc xe khách đội lốt "Xe nghĩa tình", "Xe 0 đồng", thu rất nhiều tiền của người dân để chở từ vùng dịch về quê.

Sáng ngày 4/8, khi đã có thông tin đầy đủ, lực lượng chức năng tại Trạm khai báo y tế cho người về bằng xe ô tô, đặt tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đã tiến hành kiểm tra đoàn xe khách hàng chục chiếc, chở hơn 100 người dân từ TP Hồ Chí Minh về Thừa Thiên Huế.

Theo ghi nhận, trước đầu các xe khách này đều treo băng rôn với những câu khẩu hiệu đầy ân tình như “Chuyến xe 0 đồng”, “Xe nghĩa tình". Nhờ khoác những khẩu hiệu đầy hoa mỹ này nên đoàn xe đã được lực lượng chức năng trên tuyến đường từ TP Hồ Chí Minh về Thừa Thiên Huế tạo điều kiện lưu thông.

Khi thấy lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế “làm căng”, nhiều tài xế nháo nhác gọi điện để tìm người nhờ tháo gỡ. Vừa nhìn thấy những người có máy ảnh, máy quay phim, cánh tài xế liền chạy đến đề nghị được phỏng vấn để trần tình, than thở.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, tài xế xe khách BKS 51B-248xx cho biết: "Tụi em là lái xe đưa bà con ra. Đây là chuyến xe do các mạnh thường quân tài trợ cho bà con khó khăn về quê tránh dịch. Nay mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tụi em quay đầu xe về sớm".

 

“Tụi em không biết gì đâu, nhà hảo tâm làm việc với công ty rồi kêu tụi em chở về. Giấy tờ, công lệnh đầy đủ đây, giờ chỉ muốn sớm được quay về”, tài xế Nguyễn Hữu Tâm, điều khiển ô tô BKS 51B-269xx chen ngang.

Thế nhưng, khi chính những người dân đã trót đi trên những chuyến xe “nghĩa tình” này chia sẻ với phóng viên và cơ quan chức năng, thì những chiếc băng rôn đầy hoa mỹ kia mới bị “hạ màn”.

Ông N.T.L., một hành khách đi xe, thẳng thừng nói: "Ơn nghĩa gì mấy xe này. Họ rao trên các trang hội đồng hương, người nào có nhu cầu đi về quê thì gọi điện đặt chỗ. Họ công khai giá luôn, 2 triệu/người. Xe 16 chỗ chở 8 người, giá 2,5 triệu/người. Xe 7 chỗ lấy 3 triệu/người".

Chị H.T.N thì kể: “Tối qua, xe đến cửa hàng xăng, tui bước xuống thấy dòng chữ trên băng rôn, lòng thấy hoài nghi. Tui hỏi xe thu tiền nhiều, sao viết là "Xe 0 đồng", nhưng tài xế không trả lời mà cứ cười cười”.

15 tài xế của những chiếc xe trá hình này đã bị lực lượng chức năng áp tải đi cách ly tập trung có thu phí và lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định.

15 tài xế của những chiếc xe trá hình này đã bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế áp tải đi cách ly tập trung có thu phí và lập biên bản để xử lý nghiêm theo quy định.

 

Còn chị H.T.Đ, đi ra trên xe BKS 51B-133xx, cho biết, dịch kéo dài trong TP Hồ Chí Minh không làm việc được nên quyết định về quê. Bình thường đi với giá hơn 500 ngàn, nhưng nay nhà xe đòi 2 triệu/người cũng phải đưa vì chỉ mong sao được về nhà.

“Mới lên xe họ thu mỗi người một phần tiền nói để đổ xăng. Chạy thêm đoạn nữa họ thu tiếp. Về gần tới Huế họ bắt đưa đủ tiền mới đi tiếp. Nhóm em đi 18 người, năn nỉ lắm họ mới lấy tròn 32 triệu đồng”, chị Đ. kể.

Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đối với những công dân đã tự ý trở về địa phương là nạn nhân của những chuyến xe trá hình này, lực lượng chức năng đã tổ chức tiếp nhận, đưa vào cách ly tập trung. Đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch.

 

Còn đối với 15 tài xế của những chuyến xe “nghĩa tình” trá hình chở công dân từ các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về quê, chiều 4/8, sau khi đã tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng đã áp tải lên huyện Nam Đông để cách ly và phải chịu mọi chi phí. Đồng thời, đã bị lập biên bản để xử theo các quy định về phòng, chống dịch.

Người dân Thừa Thiên Huế về quê được đưa đi cách ly tập trung.

Người dân Thừa Thiên Huế về quê được bố trí phương tiện đưa đi cách ly tập trung.

“Những hành động này rất đáng lên án. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nguyên tắc phòng, chống dịch của cá nhân, tổ chức liên quan đến các loại phương tiện này nhằm thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ”, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định.

 

Sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo dừng tiếp nhận công dân về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, số lượng người từ vùng dịch trở về có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, số lượng người về và được đưa vào cách ly tập trung vẫn còn cao (ngày 1/8: 541 người; 2/8: 1.603 người, 3/8: 886 người, sáng 4/8: hơn 200 người).

Để thực hiện có hiệu quả Công điện của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, phối hợp tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm tinh thần giãn cách “Ai ở đâu ở đấy”, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm