Trầm Bê bị bắt và loạt biến động tại Sacombank, Eximbank
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
Tin nổi bật nhất tuần qua có lẽ là việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang ra đầu thú.
Theo đó, ngày 31/7, Bộ Công an đã phát đi thông tin cho biết, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú. Trong đơn ra đầu thú, ông Trịnh Xuân Thanh viết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong việc thua lỗ của PVC.
Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn ở lại Đức. Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
Ông Thanh cũng cho biết, trong quá trình trốn chạy ông cũng nghĩ mình suy nghĩ không chín chắn nên đã quyết định đi trốn. Tuy nhiên, khi nhận thức thấy rằng mình phải về đối diện với sự thật và cần về gặp lại mọi người. Rồi đặc biệt là báo cáo với lãnh đạo, mình đã nhận thức được khuyết điểm, xin lỗi nên ông đã ra đầu thú.
Xem chi tiết tại đây!
Trầm Bê bị bắt và biến động nhân sự tại Sacombank
Sự kiện ông Trầm Bê bị bắt gây rúng động ngành ngân hàng tuần qua. Theo đó, ngày 31/7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; trong đó có bị can Trầm Bê, sinh năm 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và bị can Phan Huy Khang, sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank.
Ngay sau thông tin sếp cũ bị bắt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lên tiếng khẳng định ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị bắt không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Sacombank. Tuy nhiên, ngay lập tức, Sacombank đã tiến hành thay mới hàng loạt nhân sự cấp cao tại ngân hàng "con" bao gồm Sacombank Lào, Sacombank Cambodia và Công ty TNHH MTV Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.
Xem chi tiết tại đây!
Eximbank cùng lúc cắt giảm 8 Phó Tổng giám đốc
Tuần qua, cùng với biến động tại Sacombank, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng gây chú ý khi cùng lúc chuyển 9 Phó Tổng giám đốc. Eximbank cho biết đang cải tổ Hội sở chính để tinh gọn bộ máy quản lý để tạo ra một “Eximbank Mới”.
Theo đó, Eximbank đã chấp thuận cho 4 Phó Tổng Giám đốc bao gồm ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quốc Hương, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân được nghỉ việc theo nguyện vọng. Cùng với đó, Eximbank thôi chức danh Phó Tổng Giám đốc và bổ nhiệm chức danh Giám đốc cấp cao 5 nhân sự khác.
Trước đó, Ban điều hành của Eximbank có 15 người bao gồm Tổng Giám đốc và 14 Phó Tổng Giám đốc. Như vậy, sau quyết định này, bộ máy điều hành đã được cắt giảm tổng cộng 8 Phó Tổng Giám đốc.
Như vậy, Ban điều hành mới của Eximbank sẽ có 7 thành viên với Tổng Giám đốc là ông Lê Văn Quyết và 6 Phó Tổng Giám đốc gồm có ông Trần Tấn Lộc, ông Đào Hồng Châu, bà Đinh Thị Thu Thảo, bà Văn Thái Bảo Nhi, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ và ông Võ Quang Hiển.
Xem chi tiết tại đây!
SCIC rao bán 3,33% vốn điều lệ tại Vinamilk
Tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phát đi thông tin sẽ bán 48.333.000 cổ phiếu tương đương 3,33% vốn điều lệ do Công ty đại diện chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, SCIC sẽ chào bán 48.333.000 cổ phần tương đương 3,33% trong số 3,6% vốn điều lệ tại Vinamilk chưa bán hết của đợt chào bán năm 2016. Thời gian thực hiện là trong năm 2017, trong đó dự kiến thời gian tổ chức chào bán vào tháng 10/2017. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và có đủ điều kiện theo quy định.
SCIC và Vinamilk sẽ phối hợp để giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Vinamilk với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. SCIC cũng sẽ công bố sớm nhất có thể các mức giá khởi điểm, bước giá, khối lượng bán tối đa, tối thiểu,... để các nhà đầu tư chuẩn bị.
Ban lãnh đạo SCIC dự kiến số tiền thu về từ đợt chào bán cổ phần lần này vào khoảng 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Nếu bán thành công, SCIC chỉ còn 36% vốn tại Vinamilk, vẫn giữ vai trò cổ đông lớn.
Xem chi tiết tại đây!
Băn khoăn về tăng lương tối thiểu
Liên quan đến những tranh cãi về tăng lương tối thiểu năm 2018, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia đã có những chia sẻ cá nhân về việc này.
Cụ thể, theo ông Huân, tăng lương tối thiểu khiến tâm lý người lao động an tâm hơn khi lao động, đặc biệt đóng góp vào mức sống, giúp cải thiện đời sống của người lao động, vì thế việc tăng lương tối thiểu là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, ông Huân cũng nhắc đến những khó khăn của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh mức tăng sao cho hợp lý. Ông cho rằng, chúng ta nên dồn sức cho doanh nghiệp nhằm tạo đà phát triển, giúp người lao động có chỗ làm việc ổn định.
Vì thế theo vị này, mức tăng 5% như đề xuất của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hợp lý. Ông cũng thừa nhận rằng, mức tăng không cao nhưng cũng phần nào đảm bảo lương thực tế cho người lao động và đủ bù trượt giá.
Xem chi tiết tại đây!
End of content
Không có tin nào tiếp theo