“Cát tặc” lộng hành ở miền Tây: An Giang dùng camera "bảo vệ" cát sông
Một số tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách xã hội / Một số tỉnh, thành miền Tây tổ chức buổi lễ khai giảng đặc biệt trong mùa dịch COVID-19
Phát hiện hàng chục vụ khai thác cát trái phép trong thời gian giãn cách xã hội
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nên việc kiểm soát đường thuỷ lẫn đường bộ hết sức chặt chẽ. Thế nhưng, lợi dụng đêm tối, lực lượng tuần tra mỏng nên các đối tượng đã đưa phương tiện ra sông, khu đất rừng, đồi núi để khai thác khoáng sản trái phép.
Ngay trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16, hàng chục vụ việc đã bị phát hiện, bắt giữ. Cụ thể, nhiều địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cải tạo, đào ao nuôi trồng thủy sản, nạo vét kênh, mương để khai thác đất mặt trái phép, gây nhiều hệ lụy, nhất là môi trường.
Hiện trường vụ khai thác cát núi ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngày 22/8, lực lượng chức năng xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đã phát hiện 2 đối tượng Nguyễn Thành Nho (sinh năm 1996, ngụ tại địa phương) và H.N.A. (sinh năm 2004, ngụ xã Trường Xuân) có hành vi khai thác đất lớp mặt trái phép, đồng thời tạm giữ 2 chiếc xe kobe để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Trước đó, Công an huyện Tân Hồng cũng đã tiến hành bắt quả tang 4 đối tượng đang điều khiển 1 xe kobe và 3 xe ben khai thác đất trái phép tại phần đất ruộng của Võ Hữu Hiền (sinh năm 1989) thuộc ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ để đem bán. Qua kiểm tra 4 phương tiện trên, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ có liên quan, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ và giao cho UBND xã Tân Hộ Cơ xử lý theo thẩm quyền.
Tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), từ phản ánh của người dân về việc tại khu vực bãi biển dự án Trung Nam (thuộc tổ 1, xã Dương Tơ) có một nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng xe cuốc và xe tải khai thác cát để bán lại cho người có nhu cầu. Do vậy, khoảng 1h ngày 18/8, Công an xã Dương Tơ bí mật phục kích địa điểm trên. Khi thấy các đối tượng tiến hành khai thác cát, lực lượng chức năng tiến hành vây bắt. Thời điểm này, 9 đối tượng bị bắt quả tang. Tang vật bị tạm giữ, gồm: 10 xe tải, 5 xe cuốc.
Cũng trong thời điểm giãn cách xã hội, lực lượng công an không chỉ bắt giữ nhiều trường hợp khai thác cát núi mà còn hàng chục vụ khai thác cát sông. Ngày 17/8, Công an TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết, đang củng cố hồ sơ để xử lý Phạm Văn Tâm (sinh năm 1974), Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1982), Huỳnh Văn Cang (sinh năm 1986), Lê Thanh Quang (sinh năm 1993, cùng ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức) về hành vi khai thác cát sông không phép và vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phương tiện khai thác cát sông bị Công an tỉnh Trà Vinh bắt giữ.
Theo đó, vào rạng sáng 16/8, 2 đơn vị trên tuần tra trên sông Cổ Chiên (đoạn thuộc xã Long Đức) thì phát hiện, bắt quả tang 2 ghe gỗ có trọng tải 25 tấn và 40 tấn, không số hiệu cùng 4 đối tượng lần lượt đang thực hiện hành vi trộm cát sông. Qua kiểm tra, khối lượng cát trên ghe của Cang có 10m3, Tâm có 24m3. Sau đó, công an đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ 2 ghe gỗ và buộc bơm khối lượng cát đã khai thác lên bãi theo quy định.
Còn tại Bến Tre, rạng sáng 13/8, trong lúc tuần tra trên tuyến sông Tiền (thuộc địa phận xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã bắt quả tang tàu sắt BS: TG-14137 tải trọng gần 200 tấn do Lê Minh Nguyên (sinh năm 1984, ngụ tỉnh Tiền Giang) điều khiển đang có hành vi khai thác cát sông trái phép. Tại thời điểm bị phát hiện, tàu sắt này đã bơm, hút trộm khối lượng cát trên 124m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và buộc bơm toàn bộ số cát trên trả lại lòng sông.
Theo Công an tỉnh Bến Tre, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTP về MT) đã kiểm tra, phát hiện 8 vụ khai thác cát trái phép, với 16 đối tượng có liên quan. Công an đã xử phạt hành chính 2 đối tượng và hiện đang tiến hành củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng còn lại. Theo thống kê 8 tháng đầu năm, Phòng CSPCTP về MT Công an tỉnh đã bắt quả tang 23 vụ khai thác cát trái phép, với 35 đối tượng. Đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ/17 đối tượng, số tiền 5,8 tỷ đồng, chuyển hồ sơ cho Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố 1 vụ/1 đối tượng về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Cát tặc lộng hành sau khi nới lỏng
Sau giãn cách xã hội, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã tái khởi động, cũng như nhu cầu xây dựng tăng cao đã khiến cho giá cát sốt hàng, trong khi đó phần lớn mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu không được cấp phép mới, khiến cho nguồn cung khan hiếm. Từ đó xảy ra tình trạng chủ mỏ cát khai thác không đúng quy định và gia tăng nạn “cát tặc”.
Việc khai thác trái phép, sai phép kiểu tận thu gây tác động rất lớn đến môi trường, nhất là làm thay đổi dòng chảy và sạt lở bờ sông. Những đối tượng bơm, hút cát trái phép sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó, trong đó có việc dùng ghe cũ nát khai thác, nhằm tránh việc bị tịch thu phương tiện khi bị phát hiện.
Ngày 12/10, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 77 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng, trong đó có 19 vụ khai thác cát trái phép.
Đối tượng “cát tặc” Nguyễn Thành Tâm và bị cáo Dương Văn Sáu.
Điển hình, khoảng 20h30 ngày 3/10 vừa qua, tổ kiểm tra công tác khai thác khoáng sản cát sông của UBND huyện Long Hồ tuần tra trên tuyến sông Tiền. Khi đến khu vực vàm Cái Muối thì phát hiện sà lan mang số hiệu BTr-76.73 do Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1981, ngụ xã Đồng Phú) điều khiển đang thực hiện hành vi hút cát sông trái phép. Tại thời điểm kiểm tra phương tiện đã hút được gần 38m3 cát. Vụ việc sau đó được lập biên bản để tiếp tục điều tra.
Mới đây, vào lúc 20h40 ngày 7/10, tại thủy phận ấp Đông Giang, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường và Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) bắt quả tang 1 phương tiện ghe gỗ không số đăng ký, trên phương tiện có 2 người, gồm: Dương Ngọc Bình (sinh năm 1976) và Trần Hữu Giàu (sinh năm 1994, cùng ngụ xã Tân Khánh Đông) đang thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện ghe gỗ đã khai thác được khoảng 5m3 cát sông.
Công an tỉnh Đồng Tháp bắt phương tiện khai thác cát sông trái phép.
Không chỉ khai thác cát sông, mà tình trạng khai thác đất mặt, cát núi trái phép cũng gia tăng trở lại. Cụ thể vào lúc 15h55 ngày 28/9, tại ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, Công an huyện Tân Hồng phát hiện có 3 phương tiện, gồm 1 xe kobe không mang biển số do đối tượng Tôn Long Nguyền (sinh năm 1970) điều khiển và 2 xe ben do Trần Tấn Nhựt (sinh năm 1976) và Trần Văn Thụy (sinh năm 1971, cùng ngụ xã Tân Hộ Cơ) điều khiển đang có hành vi múc, vận chuyển đất mặt trái phép tại khu đất của ông Nguyễn Văn Trung.
Còn tại An Giang, trước đó khoảng 14h ngày 24/9, sau khi nhận tin báo tại khu vực tổ 18, ấp Phú Nhứt, xã An Phú, huyện Tịnh Biên có đối tượng đang khai thác cát núi, tổ liên ngành chống lậu của tỉnh liền triển khai lực lượng đến kiểm tra thì bắt quả tang Nguyễn Trường Tồn (sinh năm 1990) điều khiển xe ô tô tải BS: 67C - 060.52 và Lê Văn Danh (sinh năm 1981, cùng ngụ xã An Phú) điều khiển xe kobe khai thác cát núi trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe Tồn điều khiển có khoảng 4m3 cát. Qua làm việc thì 2 chiếc trên là của Tồn. Vụ việc được lập biên bản và bàn giao Công an huyện Tịnh Biên xử lý.
Dùng camera và định vị giám sát khai thác tài nguyên cát sông
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang cho biết, vừa triển khai đề án “Xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản” trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ hiện đại nhằm cảnh báo, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản cát sông. Đồng thời nâng cao khả năng quản lý khai thác, chống thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm việc khai thác tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo đó, địa điểm đầu tư là đối với các phương tiện khai thác tài nguyên khoáng sản. Hình thức đầu tư mới toàn bộ hệ thống, trong đó các nhà thầu đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát, Sở TN&MT đầu tư hệ thống phần mềm và trung tâm giám sát quản lý. Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư (Sở TN&MT) đã triển khai xây dựng hệ thống giám sát khai thác khoáng sản dựa trên công nghệ định vị GPS và camera thông minh giám sát độc lập. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh được lắp đặt thiết bị giám sát quá trình hoạt động bao gồm: vị trí khai thác, khu vực được phép khai thác, thời gian khai thác…
Các thiết bị giám sát thông minh, tự nhận biết và gửi cảnh báo cần thiết về trung tâm điều hành, giám sát. Lắp đặt camera cảnh báo khai thác trái phép tại một số khu vực được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; lắp đặt thử nghiệm một số camera giám sát cảnh báo tại khu vực có tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép nhằm ngăn chặn, xử phạt và răn đe các trường hợp vi phạm tương tự khác.
An Giang giám sát cát sông qua camera và định vị thông minh.
Trong năm 2021 - 2022 (giai đoạn 2), triển khai xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động giúp người dân gửi dữ liệu hiện trường khai thác tài nguyên khi phát hiện đến cơ quan quản lý. Theo đó, lắp đặt camera thông minh cảnh báo khai thác tài nguyên khoáng sản tại tất cả các khu vực được phép khai thác và các khu vực xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Xây dựng hoàn thiện hệ thống giám sát dựa trên kết quả cân chỉnh, sửa đổi của giai đoạn 1 để hợp nhất giải pháp giám sát GPS và camera thông minh.
Với giải pháp thực hiện, xác định và ghi nhận tọa độ của phương tiện khai thác tài nguyên lên bản đồ số; lưu lại lịch sử hành trình phương tiện lên cơ sở dữ liệu tập trung có thể truy xuất dữ liệu cũ trong vòng 90 ngày; đánh dấu khu vực được phép khai thác tài nguyên khoáng sản lên bản đồ số theo hệ tọa độ VN2000; tự động phát hiện và thực hiện gửi cảnh báo về địa chỉ email, số điện thoại bộ phận quản lý khi có phương tiện khai thác ngoài vùng cho phép…
End of content
Không có tin nào tiếp theo