Chuyển đổi số

Chủ tịch Kim Nam Group: Đề xuất sớm cho phép thí điểm cơ chế Sandbox với dịch vụ cho vay ngang hàng

DNVN - Ông Nguyễn Kim Hùng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm cho phép các công ty cung cấp giải pháp P2P Lending (cho vay ngang hàng) được thí điểm theo mô hình Sandbox, nhân rộng và có kiểm soát. P2P Lending là giải pháp phù hợp giải quyết tối đa bài toán nguồn vốn của cộng đồng DNNVV.

Bộ Công Thương sẽ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ / Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Cho vay ngang hàng là kênh vay vốn phù hợp với DN nhỏ và vừa

Tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, tổ chức tại TP.Việt Trì, Phú Thọ vào sáng 18/12/2019, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) đưa ra đề xuất về việc ứng dụng công nghệ trong việc phát triển, nâng cao chất lượng các hội viên trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ông Nguyễn Kim Hùng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group.

Đề xuất cho mô hình P2P Lending được thí điểm cơ chế Sanbox

Trong đó, ông Nguyễn Kim Hùng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm cho phép các công ty cung cấp giải pháp P2P Lending (cho vay ngang hàng), được thí điểm theo mô hình Sandbox, nhân rộng và có kiểm soát. Giải quyết tối đa bài toán nguồn vốn của cộng đồng DNNVV. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các quy định về P2P Lending để tạo ra một hành lang pháp lý và các chuẩn mực cho các hoạt động P2P. Ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, các giải pháp công nghệ P2P Lending phù hợp trong việc giải quyết bài toán về vốn cho các DNNVV.

Hiện nay với CNTT 4.0 phát triển nhiều hình thức cho vay ngang hàng đã được triển khai tại nhiều quốc gia và ngay cả tại Việt Nam. Khác với cách cho vay và đi vay truyền thống thông qua ngân hàng là trung gian tài chính, P2P Lending là hình thức cho vay trực tiếp giữa các thành phần kinh tế, qua sự kết nối của một công ty CNTT.

Trên thế giới, P2P lending bắt nguồn từ Anh năm 2005 (công ty Zopa) và nhanh chóng lan mạnh sang Mỹ năm 2007 (Lending Club) và thực sự bùng nổ khi Trung Quốc tham gia với số lượng công ty lên tới hàng nghìn. Đến năm 2017, tổng giải ngân chảy qua các công ty P2P Trung Quốc đã đạt đến 192 tỷ USD. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều hình thức biến tướng, không phải là P2P đích thực, dẫn đến không kiểm soát được thị trường, Trung Quốc đã trải qua cuộc đại phẫu mạnh khiến cho số lượng các công ty có thể tồn tại chỉ còn khoảng vài chục. Ở Đông Nam Á, P2P lending xuất hiện ở nhiều quốc gia như Indonesia, Philippine, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, trước khi P2P Lending có mặt và phát triển tương đối rộng rãi, phải nhắc đến sự có mặt của làn sóng P2P trong các lĩnh vực gọi xe như Uber, Grab, chia sẻ căn hộ cho thuê như AirB&B. Kinh tế chia sẻ góp phần gia tăng nhận thức của người dân và sự quan tâm của các cấp quản lý về loại hình mới mẻ này.

Theo thống kê đến đầu tháng 6/2019 của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ P2P Lending tại Việt Nam xấp xỉ 65.000 tỷ đồng (tương đương với 1 ngân hàng cấp trung tại Việt Nam) và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cho đến nay đã có khoảng 40 công ty tại Việt Nam cho vay theo mô hình này, tuy nhiên phần lớn đều chưa có sự quản lý, thiếu minh bạch và còn nhiều bất cập.

Trong rất nhiều công ty đang hoạt động đầu tư vào P2P, có đơn vị VERIG đã cung cấp giải pháp toàn diện nhất là VERIG Platform, một hệ sinh thái được ví như thành phố thông minh cho DVNVV, do cộng đồng các DNNVV cùng chung tay xây dựng và là thành viên Hiệp hội VINASME.

VERIG Platform là một nền tảng công nghệ cao cung cấp các giải pháp số cho cộng đồng DNNVV, ứng dụng Supply chain, B2B, P2P giúp cho các doanh nghiệp kết nối thành một chuỗi cung ứng, nâng cao chuỗi giá trị, giải quyết các nút thắt về vốn, quản trị. Đồng thời kết nối, xây dựng một công đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắt kết chặt chẽ, chia sẻ mọi nguồn lực. Các doanh nghiệp sẽ được tối ưu nguồn vốn khi liên kết chuỗi chỉ còn 30%, thay vì 100% khi không liên kết.

Hiện nay Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech, trong đó hoạt động cho vay ngang hàng. Trên cơ sở này Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án Sandbox để thử nghiệm mô hình P2P để từ đó đưa ra một dự thảo quy định mô hình hoạt động P2P Lending.

a


Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần giải pháp cho nhu cầu vay vốn

Ông Nguyễn Kim Hùng cũng nêu ra một số khó khăn trong quá trình phát triển DNNVV, trong đó giải quyết được bài toán về vốn sẽ tháo gỡ được khó khăn lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hiện nay, hoạt động cho thấy các DNNVV vẫn tiếp tục bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể, tình trạng quy mô trung bình của doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt. Mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia, kết quả xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn hẳn so với các khu vực khác.

Một khó khăn phải kể đến là doanh nghiệp tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố, quy định bất lợi về điều kiện kinh doanh. Ví dụ, các quy định về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị chuyên dùng, quy định về nhân sự trong bộ máy quản lý, điều kiện về vốn hoạt động... Trong một số trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực.

 

Tâm lý và các ứng xử của các cơ quan quản lý theo hướng tận thu, yêu cầu gia tăng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân vào ngân sách vẫn tồn tại, thậm chí còn có xu hướng tăng lên. Thuế vẫn luôn là gánh nặng, sức ép tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp tư nhân.

Việc tiếp cận vốn ngân hàng mặc dù hiện nay không gặp nhiều khó khăn như trước đây, do các ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DNNVV, tuy nhiên khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp tư nhân chưa được cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và khả năng kinh doanh còn yếu kém. Bên cạnh đó các DNVVN vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị. Về phía các ngân hàng, thủ tục vay vốn còn phức tạp, các sản phẩm tín dụng dành cho DNNVV chưa phong phú, một số DN không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp, còn tồn tại tâm lý phân biệt đối xử khi quyết định cho DNNVV vay vốn... cũng là những rào cản hạn chế các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Nền tảng khoa học công nghệ của doanh nghiệp ở mức tương đối thấp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ sạch vào trong sản xuất còn hạn chế, chưa chủ động thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Chưa quan tâm nhiều đến vấn đề áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn vào trong sản xuất.

Ông Nguyễn Kim Hùng cũng cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, phá sản, ngừng hoạt động hay bị mua lại trong vòng 3 năm đầu hoạt động. Một công trình nghiên cứu công phu và khách quan để đưa đến những giải pháp thực tế và hữu hiệu cho việc phát triển các DNNVV, trong đó có những giải pháp cho nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp này là rất khẩn trương, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn khủng hoảng với cuộc thương chiến Mỹ và Trung Quốc leo thang, dẫn tới suy yếu các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc là những đối tác kinh tế trọng yếu của Việt Nam. Nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong thời gian sắp tới. Mức độ rủi ro trong hoạt động của các DNNVV cũng vì thế tăng cao và khả năng chịu đựng các cú sốc kinh tế của các doanh nghiệp này đang bị suy giảm đáng kể.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn đầu tư thường được huy động từ tiền tiết kiệm và tích lũy của chủ doanh nghiệp và sự đóng góp của gia đình, bạn bè, người quen và những người sáng lập công ty. Nguồn vốn tự có này thường rất mỏng không đủ để doanh nghiệp hoạt động. Hầu như tất cả các DNNVV đều phải đi vay để có tiền thuê mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ sở, mua máy móc trang thiết bị, thuê lao động, mua nguyên vật liệu và dịch vụ. Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp bao gồm vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu mua nguyên vật liệu và dịch vụ, cho khách hàng nợ trả chậm và tiền để thanh toán các nhà cung cấp. Vốn trung và dài hạn để mua máy móc trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và trả nợ.

 

Quyên Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm