Chuyển đổi số doanh nghiệp du lịch gặp khó, nhiều nơi chỉ có mỗi chiếc máy tính và điện thoại "cục gạch"
DNVN - Với chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch, nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm là vấn đề lớn. Phải chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi những gì vô cùng khó, nhất là nhiều nơi chỉ có mỗi máy tính và điện thoại "cục gạch".
Metaway Holdings công bố kế hoạch ra mắt hệ sinh thái số tại Việt Nam / Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á
Doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa gặp khó
Trao đổi tại diễn đàn "Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" ngày 18/5, bà Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 284 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và mỗi năm đào tạo trên 20 ngàn lao động cho ngành du lịch. Nếu làm tốt ngay từ đầu thì đây sẽ là lực lượng lao động tốt, có kỹ năng cho các doanh nghiệp (DN) du lịch, kể cả du lịch nhỏ và vừa.
Bà Hà cho biết, bản thân khi nhà trường thực hiện đào tạo đã có hẳn chuyên ngành thương mại điện tử - đào tạo rất tốt nhưng khi chuyển sang du lịch số thì vẫn còn loay hoay.
Đề cập thực trạng nhân lực ngành du lịch, bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, toàn ngành du lịch hiện nay 2.661 DN lữ hành quốc tế, 820 DN lữ hành nội địa và có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch từ 1 đến 5 sao.
"Thực tế những doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn và KS 5 sao mới có khoảng 200 khách sạn, 320 khách sạn 4 sao và 300 khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, lượng khách sạn 4 - 5 sao quá thấp so với tổng thể 38.000 cơ sở lưu trú du lịch trên toàn ngành", bà Xoan đánh giá.
Bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.
Trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số, các DN quy mô lớn, chất lượng cao là câu chuyện hoàn toàn khác với những DN nhỏ và vừa, trong khi đó các DN du lịch hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo bà Xoan, hầu hết các DN nhỏ và vừa chiếm 2/3 các cơ sở lưu trú DL, là DN kiểu gia đình tự thành lập. Người trong gia đình vừa làm giám đốc, vừa điều hành, kiểm soát. Theo đó không có tính chuyên nghiệp. Đối với vùng sâu, vùng xa thì đây còn là câu chuyện còn dài, ngành du lịch còn phải nỗ lực nhiều.
Trong khi đó, các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi số và chuyên môn hóa từ rất lâu. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động theo quy trình, thói quen, chỉ cần ngồi một chỗ có thể làm việc với tất cả toàn thế giới từ đặt phòng, đặt tour, tìm hiểu về điểm đến... ngay cả khi chưa tới đó, thậm chí từng món ăn đặc sản riêng có của từng địa phương, khách sạn.
Theo bà Xoan, toàn ngành có khoảng 2 triệu người phục vụ trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch. Khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều DN đóng cửa, nhiều lao động giỏi đã ra khỏi ngành, tìm đến công việc khác. Sau đại dịch, kinh tế rất khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có cả khách sạn lớn giao bán. Dưới tác động mạnh mẽ bởi đại dịch, nhân lực giỏi trong ngành không thể chờ đợi mấy năm trời, họ đã ra đi để cứu gia đình họ. Như vậy, nguồn nhân lực để số hóa du lịch là câu chuyện rất lớn.
Ở góc độ địa phương, ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thể hiện quyết tâm rất cao trong hoạt động chuyển đổi số du lịch nhưng để chuyển hóa từ quyết tâm thành hành động cần phải nỗ lực cũng như sự hỗ trợ mới cho ra kết quả.
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT là cơ hội nhưng cũng là thách thức để vượt qua các ông lớn của nước ngoài. Trong khi đó, với Ninh Bình, hầu hết những người làm trong ngành du lịch là người già, tiếp cận thông tin rất khó.
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, có nơi chỉ có mỗi máy tính và điện thoại "cục gạch". Với chuyển đổi số, nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm là vấn đề lớn. Phải chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi những gì thì vô cùng khó. Nhận thức, tư duy và con người để thực hiện chuyển đổi số là quan trọng, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất.
"Sở VHTTDL Ninh Bình không có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin. Chúng tôi phải phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn. Không chủ động được về nhân lực, phải đi thuê tư vấn thì có lúc đúng, lúc sai, độ rủi ro rất cao. Nhân lực là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta phải giải quyết được vấn đề nhân lực đầu tiên, thứ hai mới là nền tảng công nghệ, sự hướng dẫn của địa phương..", ông Mạnh nêu.
Theo đánh giá của ông Mạnh, chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều khó khăn và đặt ra yêu cầu cấp thiết cần giải pháp để giải quyết. Mỗi địa phương có tới mấy nghìn doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái số, kinh doanh số thì cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển đó.
Đào tạo nhân lực để giải quyết thách thức
Theo Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình, chuyển đổi số ngành du lịch cần lưu ý tới vấn đề con người, nhận thức và hạ tầng. Trong đó đào tạo nhân lực là khâu đột phá để giải quyết bài toán đang đặt ra.
Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực về chuyển đổi số.
Theo đó, ông đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch có hướng dẫn, kế hoạch cụ thể giúp địa phương phối hợp triển khai hoạt động chuyển đổi số để du lịch Ninh Bình hòa chung vào sự phát triển hoạt động chuyển đổi số của cả nước. Đồng thời có chương trình hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực về chuyển số để họ biết những gì cần làm trước, những gì cần thực hiện sau.
Ở góc độ đơn vị đào tạo nhân lực, Hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho rằng, cần phải có sự bắt tay cơ quan quản lý nhà nước, các cơ đào tạo du lịch, doanh nghiệp triển khai xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.
Trong khi đó, từ phân tích khó khăn trên thực tế, bà Xoan cho rằng, toàn ngành phải nỗ lực nhiều hơn về câu chuyện nhân lực hiện nay. Việt Nam phải có chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương cũng như sự chủ động chuyển đổi, thích ứng của các sở ở địa phương, các hiệp hội du lịch ở các tỉnh, thành, và đặ biệt là từng doanh nghiệp thì mới có thể chuyển đổi số thành công.
"Vừa rồi Quốc hội bổ sung ngân sách cho chuyển đổi số và xúc tiến du lịch. Đây là đòn bẩy quan trọng, là cơ sở để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách thiết thực để cùng đưa du lịch phát triển trong thời gian tới và mang lại lợi ích kinh tế cho nước nhà”, bà Xoan kiến nghị.
Thực hiện cuộc CMCN 4.0, tất nhiên nguồn nhân lực sẽ dôi dư, sẽ bố trí nhân lực như thế nào? Điều này đòi hỏi sự tài ba của người quản lý để thuyết phục, phân công lao động hợp lý và nhóm chuyên gia làm về chuyển đổi số không chỉ thông thạo về chuyển đổi số mà còn giỏi về xúc tiến quảng bá. Mỗi một người làm trong đơn vị du lịch, lữ hành, khách sạn là 1 người làm sale marketing giỏi nhất thì DN mới thành công.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo