Chuyển đổi số

Covid-19: Nhà mạng rục rịch tăng băng thông Internet khuyến khích khách hàng online

DNVN - Ngay sau cuộc họp vào chiều ngày 1/4 với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã có động thái tăng băng thông Internet, trong đó có nhà mạng Viettel đã tiên phong khi tăng gấp đôi băng thông truy cập Internet cho các khác hàng đang sử dụng dịch vụ.

Covid-19: Cảnh giác với thủ đoạn đánh cắp tiền bằng cách lừa đảo mua hàng online, rồi thanh toán qua Western Union / VTVcab tăng nhiều kênh truyền hình quốc tế mới từ 1/4, ra mắt Gói Chất và Gói Đỉnh

Để bàn về việc ứng phó và trợ giúp người dân, doanh nghiệp trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều ngày 1/4, Bộ TT&TT đã tổ chức họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm với các nhà mạng. Trong cuộc họp này lãnh đạo của các tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và nhiều doanh nghiệp viễn thông khác đã cam kết tăng băng thông Internet và hỗ trợ nhiều dịch vụ nhằm giúp đỡ người dân, doanh nghiệp xử lý công việc trực tuyến, học tập trực tuyến khi đang thực hiện cách ly xã hội.

Trong ngày 2/4 một lãnh đạo của Viettel Telecom cho biết, Viettel vừa hoàn thành việc tăng gấp đôi băng thông cho tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang trên toàn quốc, giá không đổi để nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc online của người dân tại nhà. Chương trình ưu đãi miễn phí này sẽ được áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch, sau đó băng thông sẽ trở lại về gói cước khách hàng đang sử dụng trước đó.

Viettel chủ động nâng dung lượng trạm 4G.

Theo khảo sát của Doanh Nghiệp Việt Nam với một số khách hàng đang sử dụng tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Lâm Đồng,.. Hiện tại băng thông của đường truyền cáp quang Viettel đã tăng gấp 2 lần, tốc độ truy cập đã được cải thiện rất nhiều, đa số người dân đều hài lòng về chất lượng dịch vụ.

Anh Trần Minh Hải (Rạch Kiến, Cần Đước, Long An) chia sẻ: “Gia đình tôi đăng ký gói cước NET5PLUS có tốc độ đường truyền 150Mbps, nhưng vào mùa dịch bệnh này, rất nhiều người truy cập các dịch vụ online nên mạng chậm khiến tôi khó khăn trong làm việc từ xa, các cháu trong nhà học tập trực truyến cũng ảnh hưởng. Sau khi Viettel tăng băng thông lên gấp đôi, tốc độ mạng đã cải thiện nhiều”.

Ngoài ra nhà mạng Viettel cũng tặng gói ưu đãi đặc biệt cho lực lượng tuyến đầu chống dịch (cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại khu cách ly) với 2GB lưu lượng data tốc độ cao/ngày (60GB/tháng), miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và 50 phút gọi ngoại mạng/tháng trong thời gian chống dịch.

Anh Trần Minh Hải chia sẻ tốc độ đường truyền Internet Viettel tại nhà đã tăng gấp đôi.

Về phía VNPT cho biết, Tập đoàn này sẽ nâng băng thông Internet lên mức tối thiểu 50Mb để đảm bảo nhu cầu làm việc từ xa của khách hàng. VNPT cũng sẽ tăng gấp đôi tốc độ đường truyền Internet với các gói Home Combo với giá không đổi từ 50Mbps lên 100Mbps và có thể nâng thêm đến 150Mbps.

Cũng từ 1/4/2020, VinaPhone (thuộc tập đoàn VNPT) sẽ áp dụng Gói cước 0đ cho tất cả thuê bao thuộc nhóm đội ngũ phòng chống dịch tại các tuyến đầu trên cả nước và những người dân tại các khu cách ly. Theo đó, các thuê bao sẽ có mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60GB data tốc độ cao (2GB/ngày). Chương trình được áp dụng đến khi Việt Nam công bố hết dịch.

Đối với MobiFone, nhà mạng này cũng vừa tung ra gói cước C120 với những ưu đãi tương tự gói cước của VinaPhone và Viettel để tặng những “chiến binh" ở tuyến đầu chống dịch. Hiện chỉ còn “ông lớn” viễn thông là FPT Telecom chưa có động thái gì.

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Đáng chú ý, tại các khu vực cách ly, lưu lượng tháng 3/2020 tăng đột biến 90% so với tháng 2/2020. Vì lưu lượng truy cập tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị làm việc trực truyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến… nên thường xuyên xảy ra tình trạng mạng không ổn định, rớt mạng gây khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp

Bài và ảnh: Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm