Doanh nghiệp logistics chuyển đổi số: Công nghệ chỉ quyết định 50% thành công
DNVN - Theo ông Lương Tuấn Thành – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC và CMC TS, ứng phó với COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải - logistics sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, giải pháp công nghệ chỉ quyết định 50% thành công, 50% còn lại đến từ con người vận hành và sử dụng công nghệ...
Ứng dụng công nghệ là "vaccine" cho doanh nghiệp địa ốc vượt đại dịch / Viettel vận hành 2 phòng lab hiện đại nhất Đông Nam Á
Tại Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số ngành vận tải và logistics” do Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) và Salesforce tổ chức ngày 25/8, các chuyên gia nhận định đại dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) vận tải - logistics khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Tuy nhiên, COVID-19 cũng chính là động lực lớn để các DN cung cấp giải pháp và các DN thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn. Ngày càng có nhiều DN chọn mô hình kinh doanh số, những giải pháp mới.
Ông Lê Nguyên Vũ - Giám đốc kinh doanh mảng vận tải - logistics của Salesforce cho biết, những vấn đề các DN đặt ra để ứng phó với dịch bệnh là làm sao giảm thiểu rủi ro; duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh; bảo đảm tính ổn định về tài chính; bảo đảm làm việc từ xa an toàn cho nhân viên, đối tác cũng như khách hàng.
Đề cập tới cách ứng phó của các DN trước đại dịch, ông Lương Tuấn Thành – Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn CMC và CMC TS chia sẻ, các công ty thương mại điện tử như Amazon ở Mỹ; hay Tiki, Shopee ở Việt Nam đã xây dựng năng lực logistics vượt trội nhờ công nghệ và sự thấu hiểu khách hàng. Các hoạt động tương tác người dùng đều tự động qua hệ thống điện thoại di động và cách tiếp cận đa kênh nhằm rút ngắn thời gian. Các doanh nghiệp ngành vận tải – logistics có thể học hỏi cách làm này từ ngành thương mại điện tử.
Ông Lương Tuấn Thành – Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn CMC và CMC TS.
"Gần như sự cạnh tranh lớn nhất của các chuỗi cung ứng hiện nay đều nằm ở giải pháp công nghệ. Câu hỏi đặt ra với các DN là làm sao để tự động hóa và làm sao để tạo ra sức cạnh tranh", ông Thành nhìn nhận.
Theo ông Thành, việc ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải và logistics là hướng đi tất yếu, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, nâng cao trải nghiệm dịch vụ, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển. Không ít doanh nghiệp ngành này sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thử nghiệm công nghệ mới nhằm đem tới dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.
Tuy vậy, ông Thành cho biết, công nghệ chưa phải là yếu tố quyết định cho tiến trình chuyển đổi số của DN thành công hay không.
"Khi triển khai giải pháp cho các DN vận tải, chúng tôi thường nhìn vào yếu tố văn hóa, cách vận hành làm sao, thay đổi cách làm việc hàng ngày như thế nào? Tôi vẫn tin rằng, việc triển khai các giải pháp công nghệ mới chỉ được 50% mức độ thành công. 50% còn lại đến từ con người vận hành và sử dụng công nghệ để biến các giải pháp chuyển đổi số thành giá trị cạnh tranh thực sự cho doanh nghiệp mình so với DN khác cũng như tạo giá trị cạnh tranh trên thị trường", ông Thành chia sẻ.
Cho rằng vận tải và logistics là ngành đặc thù, khối lượng sản xuất và quy mô khách hàng lớn, ông Thành khuyến nghị các DN cần chú ý đến năng lực vận tải và giá trị của giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động của DN. Bởi theo ông, không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả, phải xác định đâu là giải pháp phù hợp với DN.
"Thách thức lớn nhất mà ngành logisitcs gặp phải là sự phân mảnh. Chúng ta có nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ có thể được đầu tư bởi các đối tác khác nhau để có thể giải quyết được bài toán phân mảnh và kết nối được dữ liệu. Đây là một trong những gợi ý cho các DN thực hiện các giải pháp CĐS khả năng thành công cao hơn. Giải quyết được bài toán phân mảnh, chọn được đơn vị triển khai cũng như các giải pháp công nghệ phù hợp sẽ có xác suất triển khai tốt và thành công hơn", ông Thành nói.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo