Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc
Ra mắt giải pháp quản lý bán hàng online dành riêng cho nhà bán hàng trên sàn TMĐT và Facebook / Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tới 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á
Theo ông Nông Đức Lai, Trung Quốc đang có chính sách hỗ trợ thường xuyên và liên tục tới hoạt động Thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG), từ đó tạo đà cho quy mô thị trường TMĐT XBG không ngừng mở rộng.
Đặc biệt vào tháng 4/2020, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo phê chuẩn 46 thành phố và địa phương thiết lập Khu thí điểm tổng hợp TMĐT XBG (tăng 23 Khu so với đợt phê chuẩn lần 04 vào năm 2019). Điều này đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển toàn diện hình thức TMĐT XBG tại Trung Quốc.
Ông Lai cho biết, quy mô thị trường giai đoạn từ năm 2016 đến nay của TMĐT XBG ở Trung Quốc đều đạt tăng trưởng trên 2 con số. Kết cấu xuất nhập khẩu qua TMĐT XBG có xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu (Trung Quốc nhập khẩu ngày càng nhiều hơn từ thế giới).
Sự phát triển TMĐT XBG đã và đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng nhu cầu thị trường lớn và đa dạng, quy mô thị trường không ngừng tăng của Trung Quốc, đồng thời, có thể tận dụng các chính sách của Trung Quốc về thuế, hệ thống kho bãi, logistic, chính sách hoàn trả… từ TMĐT XBG.
Một ví dụ điển hình cho cơ hội này là Tập đoàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam thông qua đào tạo nhân lực, có kế hoạch xây dựng kho hàng tại Bằng Tường.
“Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hệ thống TMĐT khổng lồ và tiện dụng của Trung Quốc, nhất là hiện nay, nhu cầu mua sắm trên mạng của người dân Trung Quốc lớn, kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt thúc đẩy hợp tác kinh doanh trên lĩnh vực này”, ông Lai cho biết
Tuy nhiên, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý những thách thức liên quan đến tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm nông sản cần chế biến sâu và đóng gói đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc.
Nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ (chủ yếu bằng tiếng Trung) và năng lực xây dựng thương hiệu cá nhân của doanh nghiệp còn yếu, cộng với việc chưa có hệ thống kho hàng tại Trung Quốc đang tạo thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt.
Khuyến nghị một số giải pháp cho doanh nghiệp, ông Lai nhấn mạnh: Cần thành lập nhóm chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT giữa hai Bên nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc qua kênh TMĐT.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sâu, đóng gói nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, tạo đầu ra mới cho nông sản Việt Nam.
“Cần tính toán khả năng hợp tác với các doanh nghiệp TMĐT Trung Quốc nhằm đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua kênh TMĐT XBG được sử dụng các kho hàng tại Trung Quốc, từ đó, tận dụng tối đa ưu đãi của Trung Quốc. Doanh nghiệp cần tập trung định hướng xuất khẩu các sản phẩm qua TMĐT XBG hiện có mà Trung Quốc có nhu cầu lớn như hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ…”, ông Lai nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo