Chuyển đổi số

Hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi

DNVN - Dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.

Các thành phố nên bắt đầu chuyển đổi số ngay, với một lộ trình dài hơi / Kết nối thông minh, trí tuệ nhân tạo là chất xúc tác cho tăng trưởng GDP mới

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương.

Sáng ngày 21/11/2019, tại Hà Nội, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối tổ chức Lễ khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).

Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Thứ trưởng chia sẻ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tưởng dễ nhưng thực tế đầy khó khăn, thách thức. Đối với CSDL bảo hiểm xã hội, yêu cầu đặt ra là CSDL phải rất chính xác, theo đúng các trường thông tin. Và quan trọng hơn cả là phải liên tục cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, phải nuôi nó sống, nếu không chỉ sau 3-5 tháng, toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ lạc hậu, không còn chính xác, sẽ gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện xác thực, làm ID cho công dân sau này. Như vậy chúng ta sẽ không thể xây dựng được Chính phủ điện tử.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đang là một đơn vị tiên phong, quản lý một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bảo hiểm đã có đủ dữ liệu của các công dân Việt Nam. Và ngành Bảo hiểm xã hội luôn ý thức được tầm quan trọng của việc phải luôn cập nhật, bổ sung để đảm bảo cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác nhất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý, hiện các bộ, ngành, địa phương đã có các cơ sở dữ liệu, nhưng vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm là mỗi cơ quan, đơn vị có dữ liệu đang giữ phục vụ riêng cho công việc của mình. Lý do của tình trạng này là vì tính sở hữu của mỗi ngành, mỗi đơn vị và vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu. Không có cơ chế, khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu nên nhiều đơn vị không dám chia sẻ dữ liệu.

Về việc tạo hành lang pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TT&TT đang rất trăn trở, quyết tâm ban hành sớm Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 12/2019, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Thứ trưởng hy vọng, sau khi Nghị định này được ban hành, sẽ không còn tình trạng các ngành khư khư giữ cơ sở dữ liệu của ngành mình, xóa bỏ suy nghĩ cát cứ dữ liệu của các cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan xác định CSDL về bảo hiểm là một thành phần quan trọng trong kiến trúc Chính phủ điện tử. Cùng với 5 CSDL quốc gia khác (CSDL về dân cư; đất đai; đăng ký doanh nghiệp; thống kê tổng hợp về dân số; tài chính), CSDL về bảo hiểm đóng vai trò góp phần kiến tạo nền tảng Chính phủ điện tử Việt Nam hiện đại, minh bạch, hiệu quả và liên thông.

Trong 3 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để cập nhật, duy trì, đảm bảo chất lượng và làm giàu dữ liệu để xây dựng một CSDL chuyên ngành đáp ứng các yêu cầu mà toàn ngành Bảo hiểm xã hội nỗ lực thực hiện. Cụ thể, dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực đã được cấp mã số trong hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế là gần 97,5 triệu nhân khẩu. CSDL của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý là khoảng 14,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 488 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; Cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh…

Những cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành Bảo hiểm xã hội cải cách thủ tục hành chính, nâng cao được chất lượng phục vụ, góp phần giúp Ngành đạt và vượt nhiều mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Để khai thác tốt cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế.

Sau một tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Nam..., đã có 15 nghìn trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế.

Dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.

Việc kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Bảo hiểm (phạm vi đến cấp quận/huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương so với năm 2018. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm