Chuyển đổi số

Mở cửa thị trường chuyển mạch tài chính: Lo lắng lớn nhất là liệu có kiểm soát được hoạt động rửa tiền, bao gồm cả rửa tiền kỹ thuật số hay không?

DNVN - Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro khi cho phép thêm nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Trong đó lo lắng lớn nhất là pliệu có kiểm soát được hoạt động rửa tiền, bao gồm cả rửa tiền kỹ thuật số hay không?

Trang thương mại điện tử Leflair đột ngột đóng cửa, nhiều đối tác lo bị "bùng" tiền và hàng hóa / Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Mở cửa thị trường tài chính, quan trọng nhất là phải kiểm soát được rủi ro về an ninh mạng

Đầu năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với rất nhiều điểm mới, có tính đột phá, cho phép mở cửa thị trường tài chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ công.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam về chủ trương mở cửa thị trường dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cho phép thêm nhiều doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Thưa ông, một điểm mới trong Chiến lược này, đó là lần đầu tiên Chính phủ cho phép thêm các doanh nghiệp, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Như vậy sẽ có thêm các doanh nghiệp như viễn thông, hay các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kinh doanh lĩnh vực chuyển mạch tài chính, thế độc quyền hiện nay của Napas sẽ bị phá vỡ. Theo ông, việc cho phép hình thành một thị trường cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính cạnh tranh có tác động như thế nào đến nền tài chính Việt Nam?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thật sự ra tôi rất lo ngại khi mở cửa hệ thống chuyển mạch tài chính, tại vì chuyển mạch tài chính có thể hiểu là việc chuyển tiền tệ từ đối tượng này sang đối tượng khác qua một hệ thống trung gian, gọi là chuyển mạch. Hiện nay Napas là công ty duy nhất được cấp phép thực hiện việc chuyển mạch tài chính, như thế kiểm soát sẽ dễ dàng hơn, nhưng cũng có hạn chế là có thể vào thời điểm nào đó Napas có thể bị quá tải.

Hoạt động về tài chính không chỉ chuyển tiền qua các hệ thống ngân hàng trong nước mà còn liên quan đến việc chuyển tất cả những thông tin về tài chính trong nước ra nước ngoài. Trên nguyên tắc thì nếu càng tập trung thì càng dễ kiểm soát, trong nước chúng ta có Napas rồi, nước ngoài thì chúng ta có hệ thống chuyển mạch tài chính SWIFT, đó là hệ thống bảo mật rất cao, có lẽ là cao nhất trong các hệ thống chuyển mạch tài chính. Với số lượng công ty được cấp phép chuyển mạch tài chính thu gọn lại như vậy sẽ dễ dàng kiểm soát rủi ro hơn.

Còn khi cho phép những công ty khác được thành lập, trong đó có cả các công ty nước ngoài nữa thì liệu rằng có tạo ra những rủi ro cho Việt Nam hay không? Theo tôi thì mở cửa chắc chắn sẽ tạo ra rủi ro, vấn đề chúng ta kiểm soát cái rủi ro như thế nào?

Cái lo lắng nhất của tôi đó và việc kiểm soát hoạt động rửa tiền. Hiện trong nước chỉ có phương tiện thanh toán tiền đồng và một số ngoại tệ cho phép như là đồng USD. NHNN có qui định về phòng chống rửa tiền. Các ngân hàng và công ty tài chính là cửa ngõ để ngăn chặn hoạt động rửa tiền và Napas là cửa ngõ phụ trách hoạt động chuyển mạch. Hệ thống phòng chống rửa tiền tương đối tập trung và có kiểm soát. Thế mà hoạt động phòng chống rửa tiền của chúng ta được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là thiếu sót, nhiều lỗ hổng.

Nhưng trong tương lai thì có cả những đồng tiền kỹ thuật số, nếu chúng ta cho phép thêm những công ty chuyển mạch mà họ không những chỉ chuyển mạch tài chính liên quan đến tiền đồng và một số ngoại tệ được phép, mà họ có thể chuyển những đồng tiền khác nữa. Giả sử họ được phép chuyển cả những đồng tiền kỹ thuật số, thì liệu rằng chúng ta có kiểm soát được những hoạt động rửa tiền muôn hình vạn trạng hay không.

Rồi một hệ thống tài chính mà về trình độ công nghệ thông tin Việt Nam mới ở trong giai đoạn bắt đầu đi vào cuộc Cách mạng công nghệ thông tin 4.0. Việt Nam chưa phải là một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm và có nhiều kỹ năng để kiểm soát được công nghệ thông tin. Thành ra tôi thật sự rất lo lắng về rủi ro sẽ phải đối diện khi cho phép mở rộng hoạt động chuyển mạch tài chính.

Vâng đó là những rủi ro mà bất cứ nền tài chính nào cũng phải đối diện. Nhưng theo ông, việc phát triển thị trường chuyển mạch tài chính cạnh tranh có làm cho thị trường dịch vụ tài chính tốt hơn không?

Dĩ nhiên trong một thị trường có cạnh tranh sẽ tốt hơn là thị trường độc quyền. Chẳng hạn như thị trường chuyển mạch tài chính chỉ có một công ty duy nhất thì dĩ nhiên với cái thế độc quyền của họ, phí là do họ tự định ra sẽ không mang tính cạnh tranh và các sản phẩm không có áp lực phải cải tiến và đa dạng. Khi thị trường có nhiều đối tác khác thì tạo ra sự cạnh tranh, do đó sẽ có lợi thế cho người sử dụng dịch vụ đó. Đây chắc chắn là điều có lợi cho một thị trường mở.

Thế nhưng thị trường mở cũng đi liền với lại nhiều rủi ro, cái mà tôi quan tâm là liệu rằng chúng ta có thể kiểm soát được những cái rủi ro chưa? Nếu câu trả lời là có thể kiểm soát được rồi, thì tôi rất hoan nghênh việc mở rộng thị trường, chuyển mạch tài chính. Còn nếu câu trả lời là chưa thì tôi nghĩ là tôi rất lo lắng về việc mở rộng thị trường chuyển mạch tài chính.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm