Chuyển đổi số

Trình Chính phủ ban hành quyết định về cơ chế thí điểm Mobile Money trong tháng 4

DNVN - Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm Mobile Money và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4 này.

Mobile Money có giới hạn giao dịch tối đa là 1 triệu đồng / Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cơ chế Sandbox trong lĩnh vực Fintech và thử nghiệm Mobile Money trong năm 2020

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hóa đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Mobile Money chính là tương lai, mặc dù thẻ tín dụng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, nhưng những người dân ở vùng nông thôn sẽ ít sử dụng máy POS, ATM trong khi đa phần đều có smartphone. Đây chính là ứng dụng đáp ứng cho số đông người Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thành quyết định  về triển khai Mobile Money dự kiến trình chính phủ trong tháng 4 (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thành quyết định về triển khai Mobile Money dự kiến trình chính phủ trong tháng 4 (Ảnh minh họa)

Loại hình thanh toán này sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… tham gia vào thị trường thanh toán và góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Đồng thời, ứng dụng này giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, loại hình thanh toán mới này cần phải có cơ chế bảo mật tốt, cần phải có sự hỗ trợ tốt từ phía các nhà mạng và sự nỗ lực nâng cấp về công nghệ, hạ tầng và đặc biệt là cách thức quản lý, quản trị.

Trước đó, Ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát, xây dựng các quy định áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu giao dịch trực tiếp trong cung ứng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Khẩn trương phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money). Chỉ thị về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm