Nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số
Nhọc nhằn hoàn, đổi vé máy bay, hủy tour du lịch do Covid-19 / Du lịch Việt Nam đua nhau chào tour du lịch đi Mỹ tiêm vaccine
Hiện nay, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Tại diễn đàn trực tuyến “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số” tổ chức ngày 2/10, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp hơn... so với các khu vực khác. Do đó cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
"Cần thiết phải có giải pháp để thực hiện kết nối và xây dựng các ứng dụng thuận tiện nhất để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch", ông Phúc chia sẻ.
Nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số.
Ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho rằng, việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng, vấn đề du lịch nông nghiệp - nông thôn ở Việt Nam phần lớn là do người dân địa phương tham gia và phát triển sản phẩm dịch vụ liên quan đến du lịch. Họ chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình.
Chính vì vậy, theo ông Nghĩa, cần xây dựng một nền tảng chung, trang thông tin kết nối tất cả điểm lẻ tẻ này, cộng với ứng dụng công nghệ mới là công nghệ thực tế ảo và App thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Còn theo bà Trần Phương Linh – Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Bến Thành cũng cho rằng, trước khi nghĩ tới việc chuyển đổi số, thì việc chuẩn hóa các điểm du lịch, sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn có hạn chế là người người, nhà nhà làm du lịch một cách tự phát. Từ đó dẫn đến sự không đồng đều của các điểm du lịch, cụm du lịch. Và một số điểm du lịch chưa đạt yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, do cách làm du lịch tự phát nên chưa có sự thống nhất của cơ quan chủ quản, ban, ngành, địa phương, từ đó việc đầu tư kém hiệu quả và chưa đồng bộ.
Để giải quyết vấn đề này, bà Linh đề xuất, cần có sự chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền, các đơn vị liên quan để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch. Như vậy, bức tranh du lịch nông thôn – nông nghiệp sẽ sáng hơn.
Bà Nhữ Thị Ngần- Tổng giám đốc Hanoi Tourism chia sẻ, để khai thác bền vững các giá trị trong du lịch nông thôn, bà Ngần kiến nghị cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất được nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá…
“Chúng ta phải giữ được bản sắc và tạo thói quen để người dân kết nối qua thực tế ảo, không gian mạng. Địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo cho bà con, tránh tình trạng ‘bê tông hóa’ kiến trúc, văn hóa”, bà Ngần nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn chuyên nghiệp, hiệu quả cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu hút lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.
Vì vậy, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các địa phương trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình.
Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương.
Tuy nhiên, “các mô hình du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là bảo đảm được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo