Chuyển đổi số

Sếp VCCorp: Khi tất cả đều ngủ đông, DN nào hoạt động thì DN đó sẽ thành công

DNVN - Theo bà Phan Đặng Trà My, nếu như trước đây các DN có dòng tiền ổn định, họ thường có kế hoạch cụ thể để chia tiền cho các kênh quảng cáo. Sau dịch bệnh Covid-19, dòng tiền các DN trở nên hạn hẹp thì đầu tiên họ sẽ quan tâm đến doanh thu và thương hiệu. Khi tất cả các DN đều ngủ đông, DN nào hoạt động thì DN đó sẽ thành công.

Doanh nhân Đặng Văn Thành: Áp dụng công nghệ số nó giống như một giáo phái rất đông người tham gia / Hậu Covid-19: DN đừng quên phải làm Marketing bằng mọi giá, nếu không sẽ chết

Đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại các chuyên gia vẫn chưa có thể nhận định chính xác được bao giờ các quốc gia mới có thể kiểm soát và khống chế được dịch bệnh này trên toàn thế giới.

Tờ New York Times của Mỹ đã viết: “Nhà máy, cửa hàng mở cửa nhưng không ai chịu chi tiền”. Câu nói này thể hiện đúng nhất thực trạng kinh tế các nước ở thời điểm hiện tại. Tình trang này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà nó đang diễn ra ở hầu khắp các nước có ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đó có Việt Nam.

Sau khi bị dính đòn “phủ đầu” nặng nề bởi Covid-19 làm cho các doanh nghiệp (DN) đang phải điêu đứng, giờ đây điều mà các chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất chính là làm thế nào để “đẩy số” – tức là làm thế nào có thể gia tăng được doanh thu giúp DN tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện tại.

Với các DN, việc ứng dụng Marketing để xây dựng thương hiệu và bán hàng, tạo được chỗ đứng trên thị trường không còn xa lạ nữa. Những năm gần đây các DN triển khai Marketing càng trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn, nhìn thấy được lợi ích từ hoạt động này rất lớn nên các chủ doanh nghiệp cũng chịu chi cho hoạt động này ngân sách lớn hơn.

Tại sự kiện “Đẩy số sau dịch” của VMCC tổ chức vừa qua, các diễn giả đã đưa ra những quan điểm của mình về việc hậu Covid-19, các DN nên đổ tiền vào làm thương hiệu hay chỉ nên tập trung vào để đẩy số đem doanh thu về cho DN để tồn tại trước?

Các diễn giả chia sẻ về cách làm thế nào DN có thể đẩy được số (tăng trưởng doanh thu) sau dịch Covid-19 (ảnh chụp màn hình)

Các diễn giả chia sẻ về cách làm thế nào DN có thể đẩy được số (tăng trưởng doanh thu) sau dịch Covid-19.

Nhiều chuyên gia nhận định, Marketing chiến lược có vai trò rất lớn trong việc đẩy số sau dịch của các DN. Ông Phạm Vũ Tùng - Giám đốc Marketing của Creative Nature Group - Nhà phân phối TIGI, Davines và Moroccanoil cho rằng: Mỗi thương hiệu (Brand) đều có những chiến lược chung. Ông cho biết, ông đã mất 20 năm để xây dựng được Lovemark (thương hiệu được yêu mến) cho các sản phẩm của mình dựa trên 3 trụ chính đó là: Giá trị cho khách hàng, tính sáng tạo cho các sản phẩm, trải nghiệm của khách hàng và sự trung thành. Lovemark (thương hiệu được yêu mến) chính là kim chỉ nam để Creative Nature Group xây dựng thương hiệu.

Ông Tùng cũng cho biết thêm: Trong kinh doanh có những DN kinh doanh để kiếm lời, nhưng có những DN vừa kiếm lời, lại vừa kiếm tiền thêm từ việc xây dựng những mô hình kinh doanh xung quanh. Mô hình phát triển DN bền vững là tập trung phát triển công ty, thị trường nhưng luôn phải quan tâm đến 3 vấn đề đó là: Con người, cộng đồng và môi trường. Phải làm sao để DN phát triển, có lợi nhuận nhưng không được ảnh hưởng đến những lợi ích của tất cả trong tương lai. Khi DN đã có thể phát triển bền vững được thì sẽ chắc chắn DN đó có thể vượt qua được khó khăn và giảm thiểu được tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông Tùng còn đưa ra lời khuyên: Chiến lược của các DN cần thay đổi nhất là trong mùa dịch. Một số sản phẩm và giải pháp nó sẽ không còn là thiết yếu nữa vì vậy cần phải nghĩ cách làm sao để nó trở nên thiết yếu hơn. Chiến lược thương hiệu như chiếc la bàn giúp DN đi xa và dẫn đường cho DN vượt qua khó khăn và giúp khách hàng luôn xoay quanh thương hiệu của mình.

Covid-19 cũng đã làm cho kế hoạch kinh doanh cũng như các mục tiêu chiến lược của các DN thay đổi. Mỗi DN sẽ có chiến lược khác nhau về việc đẩy truyền thông thương hiệu hay đẩy số để tăng doanh thu, sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng DN.

Về vấn đề này theo bà Phan Đặng Trà My - Phó Tổng giám đốc VCCorp, CEO của Wow Holiday nhận định: Các DN lúc này cần phải hiểu rõ được việc hành vi khách hàng đã thay đổi hoàn toàn trong và sau dịch. Vì vậy ngân sách của khách hàng dành cho quảng cáo cũng có sự thay đổi theo. Nếu như trước đây các DN có dòng tiền ổn định, họ thường có kế hoạch cụ thể để chia tiền cho các kênh quảng cáo. Sau dịch, dòng tiền các DN trở nên hạn hẹp thì đầu tiên họ sẽ quan tâm đến doanh thu và thương hiệu. Khi tất cả các DN đều ngủ đông, DN nào hoạt động thì DN đó sẽ thành công.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần xác định xem nguồn tài chính của mình sẽ tập trung vào hoạt động nào đẩy số hay làm thương hiệu. Cái này phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người làm lãnh đạo DN. DN phải biết được năng lực của mình nằm ở đâu, gốc rễ để DN tồn tại là gì từ đó đưa ra quyết định cho phù hợp.

Bà Trà My, đưa ra lời khuyên cho các DN là nên thay đổi kênh bán hàng và khả năng tiếp cận khách hàng. DN nên mở rộng thêm các danh mục sản phẩm mới. Hiện tại các DN lớn họ không cắt giảm ngân sách cho Marketing nhiều mà đang tập trung vào đẩy số để tạo doanh thu trong thời điểm hiện tại.

"Haravan là đơn vị cung cấp nhiều giải pháp về thương mại điện tử (TMĐT) và Martech. Trong và sau thời gian diễn ra dịch bệnh vừa rồi thì doanh nghiệp này đã có tăng trưởng doanh thu rõ rệt. Chỉ tính trong tháng 4 Haravan đã có 15.000 DN vừa và nhỏ tìm đến mình để xây dựng các kênh bán hàng online và TMĐT", ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing của Haravan cho biết.

Ông Tấn cho rằng, hiện nay nhiều DN vừa và nhỏ đang chuyển dần từ kênh offline sang kênh online và tìm kiếm khách hàng của mình trên các kênh online và thương mại điện tử nhiều hơn. Điều này vẫn có thể giúp các DN ra được đơn hàng, và duy trì được doanh số ổn định.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm