Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
DNVN – Với việc lọt vào nhóm có điểm số cao nhất, vươn lên xếp thứ 5 trên toàn quốc chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, Thừa Thiên Huế đang cho thấy những quyết tâm lớn trong cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân.
Thừa Thiên Huế: Khai trương sàn thương mại điện tử kinhtehoptac.com / Covid-19: Thừa Thiên Huế “điện tử hoá” để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
So với kết quả PAPI năm 2018, Thừa Thiên Huế vươn lên 38 bậc, xếp thứ 5 toàn quốc với 45,86 điểm. Trong 8 chỉ số được đánh giá, chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở 5,24 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định 5,29 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân 5,46 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,72 điểm; thủ tục hành chính công 7,20 điểm; cung ứng dịch vụ công 7,52 điểm; quản trị môi trường 4,11 điểm và quản trị điện tử 4,31 điểm.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đây là sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong thời gian qua, là kết quả của một lộ trình và bước đi phù hợp mà tỉnh đã đặt ra.
“Dữ liệu và thông tin thực chứng từ Chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân. Chỉ số PAPI đóng vai trò là “tấm gương” giúp chính quyền tỉnh soi chiếu lại hoạt động trong một năm, đồng thời tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương”, ông Thọ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, để cải thiện và nâng cao vị thứ xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với hành động quyết liệt hơn nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Chú trọng vào những chỉ số có điểm số thấp, thứ hạng chưa cao nhằm nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính, cũng như các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, chú trọng lựa chọn các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát các nội dung đạt điểm thấp để nâng cao vị thứ xếp hạng.
Kết quả nổi bật nhất của năm 2019 là ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và quy trình tiếp nhận, giải quyết, giao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh chú trọng hơn về kỹ năng tiếp xúc với người dân trong thực thi công vụ, năng lực thừa hành nhiệm vụ và cung ứng dịch vụ công cho người dân, thực hiện tốt phương châm “Thân thiện - Đúng hẹn- Đơn giản”.
“Trách nhiệm giải trình không ngừng được cải thiện. Thông qua truyền thông, các hoạt động của chính quyền được cung cấp kịp thời, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển được công khai, kiến nghị phản ánh của người dân được chính quyền phản hồi với trách nhiệm cao đã tạo được sự đồng thuận của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thăm hỏi, động viên người dân và kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Văn Thông, trong các chỉ số thành phần PAPI 2019 của tỉnh thì chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân được cải thiện và được đánh giá có tiến bộ nhất toàn quốc. Điều này quyết định đến chỉ số nội dung nên đã đưa tỉnh nhà vươn lên 38 bậc, xếp thứ 5 toàn quốc.
“Ý thức được điều này nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc niêm yết, công khai, minh bạch kịp thời các quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, khung giá đất, các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư,... để người dân biết, tiếp cận, thực hiện và giám sát”, ông Thông cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kỳ vọng, với việc tăng thứ bậc chỉ số PAPI sẽ góp phần tạo động lực nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân phục vụ và thúc đẩy phát triển bền vững ở Thừa Thiên Huế, là động lực quan trọng sớm xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Tăng 10 bậc trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Theo kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc nhóm khá, đứng vị thứ 20/63 tỉnh, thành với 66,50 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2018. PCI năm 2019, Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số thành phần cao nhất từ trước đến nay, như: Chỉ số thiết chế pháp lý 7,35 điểm; đào tạo lao động 7,35 điểm. Đáng chú ý, các chỉ số về tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động được cải thiện đáng kể. |
Viên Hữu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo