Covid-19: Thừa Thiên Huế “điện tử hoá” để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
DNVN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, tăng hình thức họp trực tuyến; xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính qua mạng; cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Thừa Thiên Huế: Kiểm soát chặt khách đến, kích hoạt “Sở chỉ huy tiền phương” phòng chống Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Miễn cước chuyển phát khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhằm phòng dịch Covid-19
Tăng cường họp trực tuyến
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành và ngày càng diễn biến phức tạp, cứ vào 7h15 sáng hằng ngày, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này, lại chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Tại các điểm cầu địa phương, các sở, ban, ngành đều được trực tuyến nối về “Sở chỉ huy tiền phương” thông qua màn hình LED và các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay miễn là có kết nối 3G, 4G. Hệ thống điều hành trực tuyến gồm nhiều bộ thiết bị đầu cuối đã tích hợp đầy đủ màn hình hiển thị, camera, âm thanh...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong khi người dân, doanh nghiệp được khuyến nghị đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, chuyển hầu hết các cuộc họp sang hình thức trực tuyến đang được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn áp dụng.
“Trong những ngày qua, cách thức hoạt động, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh từ hình thức họp tập trung sang họp trực tuyến không hề gặp khó khăn, ngược lại đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo chính quyền, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian làm việc”, bà Trâm cho hay.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thì việc hoãn các cuộc họp đông người và tăng hình thức họp trực tuyến cũng là một giải pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương không những tăng họp trực tuyến mà còn ứng dụng công nghệ thông tin xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính qua mạng, khi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
“Điện tử hoá” để phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Văn bản số 2573/UBND-HCC về việc tạm dừng tiếp nhận trực tiếp thủ tục hành chính, chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến hoặc tiếp nhận thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như không có người đến giao dịch trực tiếp.
Nhờ đẩy mạnh tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như không có người đến giao dịch trực tiếp
Ngay trước cổng Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, ngoài việc dán thông báo không giao dịch trực tiếp, còn bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích cho người dân và đề nghị mọi người nên giao dịch trực tuyến; bên trong, các quầy vẫn được bố trí đủ lực lượng giải quyết thủ tục hành chính cho những trường hợp đặc biệt, cấp bách.
Chị Hoa, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở ở TP. Huế cho biết, tôi lựa chọn hình thức giao dịch trực tuyến thông qua địa chỉ truy cập dichvucong.thuathienhue.gov.vn để đăng ký xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng nhà máy. Thay vì mang hàng loạt giấy tờ đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện, nay chỉ ngồi tại nhà, tôi đã giao dịch trực tuyến thành công.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, hoàn thành thủ tục hành chính chính xác, điều chị Hoa yên tâm hơn là hạn chế tối đa được việc đến chỗ đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Đăng ký giao dịch trực tuyến trên máy tính rất thuận tiện, ngồi một chỗ có thể làm được trong vòng 5 phút. Không như lúc trước, nếu chưa đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu phải bổ sung mất công. Còn bây giờ tôi xem cái gì người ta yêu cầu thì đăng ký rất nhanh”, nữ giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 113.600 hồ sơ, trong đó có 45.716 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, chiếm tỉ lệ hơn 40,23% hồ sơ giao dịch trực tuyến. Trong quý I/2020, lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến tăng 30% so với cùng kỳ. Ngoài việc người dân đăng ký giao dịch trực tuyến, UBND tỉnh còn miễn giảm 100% cước phí khi công dân, tổ chức nộp hồ sơ qua bưu chính công ích đến hết tháng 6/2020.
Hiện nay, trong bối phải thực hiệc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thì trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước và chính giữa những người thực hiện nhiệm vụ với nhau.
Doanh nghiệp, người dân được miễn 100% cước chuyển phát bưu chính công ích đến hết ngày 30/6/2020 khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết công việc trên môi trường mạng, bảo đảm hoạt động xuyên suốt trong các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lời cho cá nhân và tổ chức khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Đối với những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần phải được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Đến nay, tỉnh đã kết nối đảm bảo hạ tầng đồng bộ để cán bộ, công chức làm việc tại nhà thông qua môi trường mạng. Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Đây là dịp để tỉnh thực hiện phép thử việc thực hiện xử lý công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, hướng đến gần hơn mục tiêu của Chính quyền điện tử là đưa các hoạt động của Nhà nước đi vào “điện tử hóa”, “mạng hóa” để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Viên Hữu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo