Chuyển đổi số

Tuyển chọn nhân lực ngân hàng số: Cạnh tranh khốc liệt về ứng viên

DNVN - Theo quan sát của Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Search, sự cạnh tranh về các ứng viên trong ngành ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số rất khốc liệt, đặc biệt với các vị trí về công nghệ thông tin.

Ngân hàng số: Cuộc chạy đua không có điểm dừng, nếu không muốn thất bại / Việt Nam còn trải qua nhiều chông gai mới có hình hài ngân hàng số

Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, vừa phát hành báo cáo “Cơ hội và thách thức đối với nhà tuyển dụng và ứng viên ngành Ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Theo Navigos Group, thời gian qua, ngành ngân hàng đã trải qua những biến động nhất định trong dịch COVID-19, nhưng tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 không nhiều. Tuy nhiên, ngành ngân hàng lại đang gặp thách thức trong tuyển dụng nhân sự nhằm đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số.

Đó là nguồn ứng viên hạn chế chưa đáp ứng được với nhu cầu của ngân hàng. Nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng rất hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Rất hiếm các ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, trong khi, ngành ngân hàng có nhu cầu tuyển số lượng lớn và trong thời gian ngắn.

Nguồn ứng viên hạn chế chưa đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngân hàng số.

Theo quan sát của Navigos Search, sự cạnh tranh về các ứng viên trong ngành này rất khốc liệt. Đặc biệt với các vị trí về Công nghệ thông tin (IT), một trong những nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số, luôn khan hiếm ứng viên. Không chỉ có các ngân hàng cần tuyển các vị trí IT, mà các công ty từ các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… đều muốn tuyển các ứng viên trong mảng này.

Bên cạnh đó, do cần phải triển khai các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến về chuyển đổi số trong khi các ứng viên trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, các ngân hàng lớn sẵn sàng chi trả những khoản tiền đáng kể để “săn” ứng viên từ nước ngoài về.

Trong hai năm 2020 và 2021, các ngân hàng mong muốn tuyển dụng ứng viên Việt Kiều nhiều hơn tuyển nhân sự là người nước ngoài (expatriate) do ứng viên Việt Kiều có lợi thế hơn khi ít nhiều hiểu văn hóa Việt Nam, hiểu tiếng Việt và dễ dàng thích nghi hơn. Các nhân sự này đặc biệt được săn đón trong các mảng then chốt như IT, dữ liệu, sản phẩm, quản trị rủi ro…

Nhờ có sự phát triển của mạng xã hội và hệ thống thông tin nên các ngân hàng có thể tự tìm kiếm và tiếp cận nguồn ứng viên như họ mong muốn.

Trước đây, các ngân hàng thường ưa chuộng các ứng viên có nền tảng và đã có kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, hiện nay việc yêu cầu chuyển đổi và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi nên họ cần nhân sự có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược mới của họ, thậm chí đối với một số vị trí, không quan trọng là ứng viên đó đã từng làm việc trong lĩnh vực nào trước đây.

Cũng theo Navigos Search, các tiêu chí của ứng viên được ngành ngân hàng đề cao trong tuyển dụng là tư duy và kinh nghiệm về am hiểu khách hàng; sự thích ứng trong môi trường chuyển đổi số (bao gồm tư duy phản biện, tư duy thiết kế, tư duy linh hoạt, tư duy nhạy bén về kinh doanh, phân tích dữ liệu cũng như thành thạo tiếng Anh).

Các ngân hàng đang thực hiện các chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng”, chương trình thu hút ứng viên, sự kiện dành riêng cho tuyển dụng (Job Fair), sử dụng các dịch vụ “headhunting” trong và ngoài nước (dịch vụ tìm kiếm ứng viên là nhân sự cấp trung, cấp cao, các ứng viên là Việt Kiều hoặc là người nước ngoài), sử dụng dịch vụ cho thuê ngoài dịch vụ tuyển dụng (RPO).

RPO là một dịch vụ giúp ngân hàng chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quy trình tuyển dụng cho các đối tác cung cấp dịch vụ tuyển dụng để có thể tuyển được số lượng nhiều ứng viên phục vụ cho chương trình chuyển đổi số.

Mức lương dành cho các vị trí trong mảng chuyển đổi số của ngành ngân hàng sẽ cao hơn từ 20% - 30% so với các vị trí cùng cấp bậc thuộc các nhóm nghiệp vụ truyền thống khác.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm