Ứng dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại trong đại dịch COVID-19
Huawei đạt doanh thu gần 50 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021 / Sẽ không phải chạy theo dịch COVID-19 nếu áp dụng tốt công nghệ thông tin
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2021, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Từ những con số trên có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã gây tác động rất lớn đến nền kinh tế. Đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này đã làm khả năng tồn tại, chống trọi với dịch bệnh của các DN bị giảm đi rất nhiều. Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng, không tiêu thụ được sản phẩm, phát sinh thêm nhiều chi phí, thủ tục hành chính rườm rà… là những khó khăn điển hình mà các DN đang gặp phải ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực, DN bắt buộc phải tiến hành làm việc từ xa. Năng suất suy giảm; ùn ứ giấy tờ hóa đơn, hợp đồng; gián đoạn liên lạc trao đổi công việc. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ, số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, quản lý và tìm kiếm khách hàng... là giải pháp căn cơ, tất yếu với các DN trong giai đoạn COVID-19 bùng phát mạnh mẽ như hiện nay.
Ứng dụng công nghệ - Giải pháp căn cơ giúp DN duy trì hoạt động trong đại dịch COVID-19.
Tại hội thảo trực tuyến “FPT eCovax – Liệu pháp số vượt dịch cho doanh nghiệp” diễn ra mới đây, ông Hà Đỗ Thanh Nam, Giám đốc vận hành thẻ, ngân hàng số Vietbank cho biết, đại dịch khiến ngân hàng này phải cho 50% nhân viên làm việc từ xa. Điều này khiến hoạt động của Vietbank giảm hiệu quả do nhiều nhân viên không có đủ trang thiết bị làm việc trực tuyến. Việc tương tác giữa các phòng ban, ký kết giấy tờ gặp nhiều khó khăn. Để duy trì hoạt động, Vietbank hiện vẫn đang tương tác với khách hàng qua các kênh như Zalo, Facebook, mail và gọi điện.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Vietbank đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ngân hàng này đã xây dựng cho mình một ứng dụng riêng. Theo ông Nam, tuy ứng dụng này không thể thay thế hoàn toàn ngân hàng truyền thống nhưng vẫn có thể đảm bảo tất cả nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, Vietbank cũng liên kết với các sàn thương mại điện tử để khách hàng không cần trực tiếp đến điểm giao dịch, vẫn có thể mua hàng trực tuyến giữa lúc giãn cách.
Còn ông Nguyễn Trí Anh, Tổng giám đốc MED GROUP cho biết, hiện tại MED GROUP cũng đang gặp khó khi phải tiếp nhận khối lượng công việc khổng lồ giữa đại dịch. Là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, số lượng khách hàng của MED GROUP tăng gấp 5 lần bình thường. Vì vậy MED GROUP đã phải tiên phong trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý và điều hành để có thể vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh vận hành thông suốt hiệu quả, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn.
Ông Nguyễn Trí Anh cho biết, nếu không có sự hỗ trợ từ công nghệ thì doanh nghiệp cũng khó tồn tại được đến giờ. Ngay cả khi đã tiến hành chuyển đổi số và áp dụng công nghệ, thì áp lực lên hệ thống vẫn lớn, trung bình một ngày xét nghiệm 20.000 – 40.000 mẫu, gấp 5 lần công suất bình thường. Chưa kể sẽ có thêm 20.000 mẫu xét nghiệm khác tại các địa phương.
Thời gian qua, các chuyên gia, doanh nghiệp đã nói đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản trị và điều hành DN. Có thể nói đây là giải pháp căn cơ, hữu ích cho DN trong giai đoạn này. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể xây dựng cho mình một chiến lược cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Nhiều đơn vị vẫn đang lúng túng, loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào cho hiệu quả.
Nói về vấn đề này, chuyên gia Đỗ Hoàng Hải, thành viên tư vấn trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cho biết, quá trình chuyển đổi DN từ thủ công sang tự động không phải là quá trình ngắn mà sẽ là một chặng đường rất dài mới có thể thực hiện được.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, theo ông Hải các DN vừa và nhỏ nên áp dụng những công cụ đơn giản trước. Để có thể thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào DN, trước tiên DN phải chuẩn hóa được quy trình hoạt động của mình trước. Sau đó, DN cần phải xem nội lực của mình đang ở đâu, từ đó phác thảo và lựa chọn ứng với mỗi thời điểm khác nhau mình nên làm gì trước để có thể mang lại hiệu quả và giá trị ngay lập tức cho DN. Với mỗi thời điểm khác nhau, DN cần có những cách áp dụng khác nhau cho phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo