Chuyển đổi số

Sẽ không phải chạy theo dịch COVID-19 nếu áp dụng tốt công nghệ thông tin

DNVN - Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, nếu làm tốt công tác áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), chúng ta sẽ không phải chạy theo dịch. Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam- Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) để làm rõ hơn vấn đề này.

Huawei đạt doanh thu gần 50 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021 / Tìm đường đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử

PV: Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Với y tế, thời điểm này công nghệ thông tin được áp dụng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trong thời đại 4.0 và chuyển đổi số hiện nay, CNTT đã có nhiều bước chuyển biến, đặc biệt trong lĩnh vực y tế việc áp dụng CNTT ngày càng được nhân rộng để phục vụ tốt hơn cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân. Ngày nay, các bệnh viện cần phải nâng cao hơn nữa việc áp dụng CNTT như phần mềm quản lý bệnh viện; bệnh án điện tử; ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh. Áp dụng CNTT trong khám, chữa bệnh, tư vấn từ xa để giúp người dân dễ dàng tiếp cận hệ thống y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Trong xu thế phát triển của CNTT hiện nay, việc áp dụng CNTT trong lĩnh vực y tế ngày càng được quan tâm, tiến tới sẽ hỗ trợ cho các y, bác sĩ trong công tác chăm sóc người dân được tốt hơn và giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế được thuận tiện và hiệu quả.
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trong bối cảnh dịch COVID-19, làm sao để kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch cũng như sớm phát hiện các nguy cơ được coi là điều tiên quyết để chủ động phòng, chống dịch bên cạnh các yếu tố quan trọng khác là 5K và vaccine. Có thể nói, yếu tố công nghệ đang được thúc đẩy để giúp chúng ta chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Trường Nam- Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế).
Ví dụ, khi thực hiện công tác truy vết trong cộng đồng, nếu như sử dụng phương pháp truyền thống như là hỏi đối tượng F0 trong 14 ngày vừa qua đi đâu, làm gì, với ai, ở chỗ nào... thực sự sẽ mất rất nhiều thời gian mà nhiều khi dữ liệu không chính xác, làm cho việc truy vết gặp khó khăn và chậm chạp.
Với biến chủng Delta hiện nay nếu chúng ta chậm trễ trong công tác truy vết để khoanh vùng và nhận diện ra mạng lưới của nguy cơ thì chúng ta luôn phải chạy theo dịch. Nếu chúng ta áp dụng tốt CNTT, thông qua các dữ liệu có được từ việc người dân khai báo y tế và tiếp nhận việc thông tin phản ánh từ phía người dân, việc người dân quét các mã QR ở các điểm đi - đến, hệ thống quản lý phát hiện tiếp xúc gần và những dữ liệu có trên phần mềm. Theo đó, khi phát hiện F0, chúng ta có được ngay dữ liệu thông tin về ca F0 đó trong vòng 14 ngày vừa qua làm gì, ở đâu... chúng ta có được ngày mạng lưới thông báo cho những đối tượng liên quan và những khu vực nguy cơ, để chủ động trong phòng, chống dập dịch.
Hoặc trong công tác tổ chức xét nghiệm lấy mẫu cũng vậy, nếu làm theo phương thức truyền thống, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian trong tổ chức lấy mẫu diện rộng cũng như khi trả kết quả cho người dân. Khi áp dụng CNTT, việc lấy mẫu XN rất nhanh chóng và đơn giản. Người dân có thể chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng bằng app mobile khi đến các điểm xét nghiệm cũng như sẽ biết kết quả nhanh chóng.
Có thể nói, trong công tác phòng, chống dịch nếu chủ động tiếp cận và áp dụng CNTT một cách hiệu quả, đúng và phù hợp sẽ giúp chúng ta giúp thúc đẩy kiểm soát được dịch bệnh cũng như chủ động khi có mối nguy cơ về ca F0 nào đó trong cộng đồng để nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch hiệu quả.
PV: Theo ông, Bộ Y tế đã hỗ trợ các địa phương như thế nào trong việc ứng dụng CNTT đối với công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại ba tỉnh Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế đang quản lý là Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long?
Ông Nguyễn Trường Nam: Đánh giá cao việc áp dụng CNTT trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các địa phương về việc tăng cường ứng dụng CNTT, các bộ giải pháp cũng như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các bộ giải pháp phù hợp và đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng CNTT đã đem lại những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành trên cả nước. Đối với các tỉnh miền Tây, đặc biệt là 3 tỉnh mà Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế đang quản lý trực tiếp là Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long. Đây là những địa bàn có nguy cơ cao, lần lượt xếp ở vị trí thứ 5, 14 và 18 trên cả nước về mức độ nguy cơ cao và là những địa bàn có tình hình dịch phức tạp. Do đó, nếu không nhanh chóng khoanh vùng, làm tốt công tác phòng, chống dịch sẽ bị kéo dài và thậm chí là bùng phát dịch với số lượng ca mắc tăng cao.
Chúng tôi tổ chức hỗ trợ các địa phương bằng việc áp dụng công nghệ để truy vết. Qua đó các địa phương nhanh chóng khoanh vùng nếu có ca F0 trong cộng đồng. Giúp các địa phương ứng dụng CNTT khi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng quy mô lớn và đẩy mạnh công tác tiêm chủng để từ đó bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân được tốt.
Việc áp dụng CNTT giúp chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn được nhanh chóng và hiệu quả, trong công tác quản lý tiêm cũng như một số hoạt động khác liên quan tới công tác quản lý điều hành, phân tích thống kê vấn đề dịch và nguy cơ, để qua đó giúp địa phương trong công tác quản lý điều hành, có được thông tin dữ liệu kịp thời, ra các quyết định chỉ đạo được nhanh chóng. Việc ứng dụng CNTT cũng giúp chúng tôi đôn đốc các địa phương chủ động đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh tại địa phương, từ đó tạo ra "vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam" trên bản đồ. Từ đó, cơ quan chức năng nhận diện được nguy cơ, phục vụ công tác điều hành và cộng đồng biết được nguy cơ để chủ động phòng, chống dịch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông
Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm