Hỗ trợ doanh nghiệp

Điểm tên các doanh nghiệp lỗ nặng do tiền đồng mất giá

(DNVN) - Các doanh nghiệp có khoản vay nội tệ thuộc các ngành điện, phân bón, xi măng, vận tải biển... bị lỗ nặng tỷ giá khi đồng tiền Việt Nam mất giá so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo phân tích chuyển động cùng tỷ giá - Điểm danh một số doanh nghiệp bị lỗ tỷ giá trong quý 3/2015.

Theo BVSC, sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN thêm 1% và nới biên độ lên +/-3%, đến nay VND đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp có khoản vay nội tệ thuộc các ngành điện, phân bón, xi măng, vận tải biển... 

Doanh nghiệp ngành điện

 CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC): Nếu tỷ giá JPY/VND ngày 27/8/2015 giữ nguyên đến cuối Q3/2015, BVSC ước tính PPC sẽ phải ghi nhận 213,8 tỷ VND lỗ tỷ giá, trong đó 205,6 tỷ VND do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ và 8,2 tỷ do lỗ tỷ giá thực hiện.

Nguồn: BVSC.
Nguồn: BVSC.

Trong khi đó cùng kỳ năm 2014, PPC đã được ghi nhận khoảng 428 tỷ VND lãi chênh lệch tỷ giá do đồng Yên giảm giá mạnh 8% trong Q3/2014, từ 209,46 xuống 192,97.

Với việc sản lượng điện tiêu thụ trong Q3 ở mức thấp do yếu tố mùa vụ, và lỗ tỷ giá ghi nhận do VND giảm giá, BVSC ước tính PPC có thể sẽ chỉ đạt lợi nhuận ở mức thấp hoặc thậm chí lỗ trong Q3/2015.

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn trạch 2  (NT2): Tỷ giá EUR giảm mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây đã giúp NT2 hưởng lợi khá nhiều khi ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá. Trong Q3/2014, NT2 đã ghi nhận 300,9 tỷ VND lãi chênh lệch tỷ giá do EUR giảm mạnh 8% từ mức 28.968,41 vào 30/6/2014 xuống còn 26.681,03 vào 30/9/2014. 

Nguồn BVSC.
Nguồn BVSC.

Tuy nhiên, ngược lại trong Q3/2015, ước tính NT2 sẽ phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn. Giả định tỷ giá EUR và USD ngày 27/8/2015 giữ nguyên đến cuối Q3/2015, NT2 có thể sẽ phải ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lên đến 224 tỷ VND, bằng khoảng 2/3 khoản lãi tỷ giá đã ghi nhận trong Q3/2014.

 

Đồng thời, Q3 cũng là quý thấp điểm của NT2 về sản lượng điện khi mùa mưa đến khiến sản lượng thủy điện tăng mạnh. Do đó doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của NT2 trong Q3 thường thấp hơn nhiều so với trung bình 2 quý đầu năm. 

Cùng với việc có thể ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 200 tỷ VND (nếu tỷ giá hiện tại giữ nguyên đến cuối Q3/2015), so với việc lãi 115 tỷ VND trong nửa đầu năm 2015, kết quả kinh doanh Q3/2015 dự báo sẽ không được khả quan. Với lỗ tỷ giá lớn có thể xảy ra trong Q3/2015, kết quả kinh doanh của NT2 sẽ có thể giảm mạnh so với bình quân nửa đầu năm 2015 và cùng kỳ 2014. Đây sẽ là yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của NT2 trong thời gian tới.

Doanh nghiệp ngành phân bón

CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM): Trong các doanh nghiệp phân bón niêm yết, DCM là doanh nghiệp có nợ vay bằng ngoại tệ lớn nhất. Trong nửa đầu năm 2015, DCM đã ghi nhận 171 tỷ VND chi phí lỗ tỷ giá do VND mất giá so với USD. Trong Q3/2015, việc phá giá VND sẽ khiến DCM tiếp tục ghi nhận lỗ tỷ giá. Giả định tỷ giá ngày 27/8/2015 được giữ nguyên đến cuối Q3/2015, BVSC ước tính DCM sẽ ghi nhận lỗ tỷ giá 217 tỷ VND trong Q3/2015, trong đó 213 tỷ VND do lỗ tỷ giá khi đánh giá lại nợ vay ngoại tệ và 4,4 tỷ VND lỗ tỷ giá thực hiện.

Nguồn BVSC.
Nguồn BVSC.

 

Tuy nhiên, ảnh hưởng của lỗ tỷ giá tới DCM không tiêu cực như với các doanh nghiệp khác. Do khi tiến hành IPO, PVN đã cam kết sẽ đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DCM đạt tỷ lệ bình quân 12% trong giai đoạn 2015 – 2018. Do đó đến cuối năm, PVN sẽ tính toán lại giá khí đầu vào của DCM để đảm bảo mức lợi nhuận này, nên dù chi phí lỗ tỷ giá của DCM có ở mức cao cũng sẽ được bù đắp bởi giá khí đầu vào thấp vào cuối năm.

Doanh nghiệp ngành xi măng

 Trên sàn chứng khoán hiện có 3 doanh nghiệp xi măng đang có các khoản vay ngoại tệ lớn, (chủ yếu là đồng EUR) bao gồm HT1, BCC và BTS. Với diễn biến tỷ giá hiện tại, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý 3/2015. Tuy nhiên nếu xét cả năm, các doanh nghiệp sẽ vẫn có lãi từ chênh lệch tỷ giá do đồng EUR ở thời điểm đầu năm vẫn ở mức cao.

Nguồn BVSC.
Nguồn BVSC.

CTCP Xi măng Bỉm sơn (BCC): BCC hiện vẫn đang có số dư nợ bằng EUR vào khoảng 46 triệu EUR. Tuy nhiên BCC là công ty có tốc độ trả nợ nhanh nhất, mỗi kỳ bán niên công ty sẽ trả nợ gốc 9 triệu EUR. Dự kiến năm 2018 BCC sẽ trả hết số nợ ngoại tệ này. Trong Q3/2015, ước tính BCC sẽ ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 34 tỷ, giảm nhẹ so với mức lỗ 37 tỷ Q2/2015 tuy nhiên lại tăng so với cùng kỳ Q3/2014 (12 tỷ).

 

Về hoạt động kinh doanh cốt lõi là xi măng, BVSC cho rằng BCC sẽ tiếp tục duy trì kết quả KQKD khả quan như 2 quý đầu năm nhờ sự cải thiện của thị trường xây dựng, biên LN gộp duy trì trên 20% (Q3/2014: 18%), chi phí bán hàng tiếp tục được tiết giảm so với cùng kỳ (1H2015: -30% yoy).Do đó, lợi nhuận quý 3/2015 dự kiến tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ mặc dù lỗ tỷ giá gia tăng.

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1):  HT1 là doanh nghiệp có nợ ngoại tệ thuộc loại lớn nhất trong ngành xi măng, với số dư ước tính trên 84 triệu EUR vào cuối năm 2014. Hàng năm, BVSC ước tính HT1 thanh toán khoảng hơn 13 triệu EUR nợ gốc. Với mức dư nợ lớn thì lỗ tỷ giá quý 3/2015 của HT1 dự kiến có thể lên tới gần 87 tỷ, xấp xỉ mức lỗ quý trước (90 tỷ); trong khi cùng kỳ năm 2014 công ty lãi 85 tỷ từ tỷ giá.

Về hoạt động chính, biên gộp của HT1 năm 2015 tăng mạnh 4-5% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng giảm mạnh (-70% yoy) do đó tương tự như BCC, BVSC đánh giá lợi nhuận quý 3/2015 của HT1 sẽ vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

CTCP Xi măng Bút sơn (BTS): Trong quý 3/2015, ước tính BTS sẽ ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 37 tỷ, giảm so với mức lỗ 50 tỷ Q2/2015, cùng kỳ 2014 BTS ghi nhận mức lỗ tỷ giá khoảng 7 tỷ.

Hoạt động kinh doanh chính của BTS trong quý 3/2014 là khá tốt, biên LN gần 21%, ngang với kết quả 2015. Với việc lỗ tỷ giá gia tăng trong quý 3/2015, BVSC đánh giá lợi nhuận quý 3 của BTS có thể sẽ suy giảm so với cùng kỳ.

 

Doanh nghiệp vận tải biển

 Các doanh nghiệp vận tải biển hầu hết vay nợ bằng USD để tài trợ cho đầu tư đội tàu. Kể từ đầu năm 2015, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD. Trong bối cảnh ngành vận tải biển đang hết sức khó khăn phải chịu thêm cú hích tỷ giá khiến cho bức tranh chung của ngành chưa được tươi sáng.

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, PVT cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ việc phá giá VND. Giả định tỷ giá USD/VND được giữ nguyên mức 22.450 tại ngày 27/08/2015, lỗ tỷ giá quý 3 của PVT ước tính sẽ vào khoảng 95 tỷ, cả năm 2015 khoảng 144 tỷ.

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng PVT cũng có nguồn thu từ ngoại tệ khá lớn. Việc VND giảm giá 3% cho cả năm 2015 cũng đã nằm trong kế hoạch của PVT; trường hợp VND mất giá hơn 3% so với USD thì lợi nhuận trước thuế của PVT sẽ giảm thêm 15-20 tỷ. Kế hoạch LNTT của PVT cho năm 2015 là 500 tỷ, đã dự trù đến trường hợp VND mất giá 3%.

 

CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS): Đây là trường hợp tiêu cực nhất cho ngành vận tải biển. VOS vừa thoát án hủy niêm yết sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, vẫn chưa có cơ hội tái cơ cấu hoạt động kinh doanh chính khi lại tiếp tục chứng khiến thua lỗ ở những quý đầu năm 2015. Với việc phá giá VND, lỗ tỷ giá của VOS trong quý 3 sẽ là 53 tỷ, cả năm 2015 sẽ là 102 tỷ.

CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO): Phá giá VND gây ra lỗ tỷ giá 18 tỷ cho quý 3 và 37 tỷ cho cả năm 2015 của VTO. Lợi nhuận của VTO cũng ở mức khiêm tốn nên yếu tố tỷ giá sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của VTO trong năm nay.

CTCP Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP): Tác động từ phá giá VND đối với VIP có lẽ là nhỏ nhất. Nếu tỷ giá bình quân liên ngân hàng được duy trì ổn định mức 21.845 đến cuối năm thì lỗ tỷ giá quý 3 của VIP là 8,6 tỷ, cả năm 2015 là 15,2 tỷ.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo