Thu hút các doanh nghiệp FDI thích ứng an toàn linh hoạt với COVID-19
Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, nhất là các ngành sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như xuất khẩu hàng hóa do dịch bệnh kéo dài.
Doanh nghiệp kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn / Vaccine cho doanh nghiệp - Từ sống sót đến thịnh vượng
Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng đã chủ động nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN, trong đó có DN FDI, có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện để DN yên tâm sản xuất.
Phun khử khuẩn phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc của doanh nghiệp FDI, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.
Dù dịch bệnh nhưng DN FDI vẫn có sự tăng trưởng
Những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những địa phương có thế mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19, để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội, Thái Nguyên đã có nhiều đột phá. Theo ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các DN tại Việt Nam, bao gồm cả DN tư nhân trong nước và DN FDI. Hiện nay các DN FDI trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất quá cao, nguy cơ thiếu lao động tạm thời hoặc thiếu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; doanh thu tiêu thụ sản phẩm suy giảm...
Mặc dù vậy nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2021 vẫn tăng trên 7,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó các DN FDI vẫn đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, cụ thể: Giá trị xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 18,27 tỷ USD, tăng 5,75% so với cùng kỳ; Giá trị nhập khẩu ước đạt 10,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Tính đến 20/9/2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 169 dự án có vốn đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký trên 8,7 tỷ USD, tạo việc làm cho 102.000 lao động, nộp ngân sách trên 2.230 tỷ đồng (chiếm 25,4% tổng thu nội địa toàn tỉnh). Trong 9 tháng của năm 2021 vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn đạt khoảng 150 triệu USD. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay khoảng 7.561,4 triệu USD, chiếm 86,61% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, trong tháng 9/2021, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 13,374 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Lũy kế, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7% cùng kỳ. Trong đó đã cấp mới 17 dự án FDI với số vốn đăng ký 620,2 triệu USD, gấp 2,02 lần; điều chỉnh 32 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 161 triệu USD, bằng 55,8% so với cùng kỳ.
Theo đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bắc Giang, các dự án FDI thu hút được có quy mô khá lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD như “Dự án Công nghệ tế bào Quang điện JA Solar PV Việt Nam”, dự án “Nhà máy Fukang Technology”. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua cũng đã có 2 dự án FDI xin tạm ngừng hoạt động, nhà đầu tư tự chấm dứt 1 dự án đầu tư trong nước với số vốn giảm 20 tỷ đồng, thu hồi 11 dự án FDI với số vốn giảm 7,55 triệu USD.
Mặc dù vậy, số DN thành lập mới trở lại thị trường lại tăng khá so với cùng kỳ. Chín tháng, Bắc Giang có 965 DN được thành lập, tăng 3,9%; tổng số vốn đăng ký 19.371 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; có 359 DN quay trở lại hoạt động, tăng 86,9%.
Riêng DN FDI có 479 công ty với số vốn đăng ký là 3,891 tỷ USD; trong đó Thành phố Bắc Giang là địa phương có nhiều DN nhất, chiếm 33,7%, tiếp đến là Việt Yên 15,8%; Lạng Giang 10,6%.
Tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam
Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của WB đưa ra nhận định dòng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam cho thấy lòng tin vào nền kinh tế vẫn được duy trì. Nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do.
Theo chuyên gia WB, lý do là nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt (năm 2020 là 2,9%) khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc.
Để thu hút các DN FDI tiếp tục tìm cơ hội đầu tư, nhất là việc tạo mọi điều kiện để giữ chân DN, ông Trịnh Việt Hùng cho rằng, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của tỉnh đã ban hành có liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp. Thái Nguyên đang tiến hành các thủ tục để mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong 9 tháng của năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư gần 3.193 tỷ đồng, gồm Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên; cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công; cụm công nghiệp Thượng Đình, Hạnh Phúc - Xuân Phương thuộc huyện Phú Bình…
Một trong những giải pháp mà Thái Nguyên đang thực hiện là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư. Xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư. Chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời giải quyết, tạo lập và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đã và đang thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.
Cùng với đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của các DN, nhất là DN FDI có vốn đầu tư lớn trong khu công nghiệp, để nâng cao khả năng đáp ứng việc sử dụng lao động hiệu quả nhất.
Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận xét: Các DN FDI tiếp tục tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đó là dấu hiệu cho thấy họ vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chuyên gia cao cấp của WB cũng nhận định: Chính phủ Việt Nam đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là một sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược “thích ứng an toàn linh hoạt với COVID-19”.
Dưới góc độ phân tích về các DN, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng khi quyết định đầu tư, DN luôn nghiên cứu rất kỹ, để xây dựng các cơ sở kinh doanh, nhà máy… không nhìn vào những diễn biến ngắn hạn.
Thực tế, nhiều DN FDI nhận định, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực cải hiện môi trường kinh doanh, do đó, trong dài hạn, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải thừa nhận rằng, tình hình dịch bệnh do các biến chủng mới với mức độ lây lan cao hơn dự đoán đã gây lúng túng nhất định trong quá trình điều hành.
Ở cấp độ cao nhất là Chính phủ, các nhà đầu tư nhận thấy cam kết mạnh mẽ về việc vượt qua đại dịch đi đôi với bảo vệ DN và nền kinh tế. Tuy vậy, ở khâu thực hiện ở các địa phương, có nơi chưa được nhuần nhuyễn khiến nhiều DN bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách chống dịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo