Hỗ trợ doanh nghiệp

'Lấy độc trị độc' gỡ khó về dòng tiền cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không gượng dậy được vì thiếu vốn, đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn áp dụng phương thuốc "lấy độc trị độc" để giải độc cho nền kinh tế.

Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ “bình thường mới”: Bài 2 - Doanh nghiệp vượt đại dịch / Sân bay quốc tế Vân Đồn đạt chuẩn quốc tế về an toàn sức khỏe AHA

Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp 'khát vốn'

Đáng chú ý, dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội...). Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.

goi-phuc-hoi-kinh-te-jpeg-1985-163601612

Đề xuất Nhà nước thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. HCM, cho hay hơn một tháng trở lại hoạt động bình thường mới, hiện nay đã có 95% doanh nghiệp, 80% công nhân quay trở lại làm việc, hoạt động trong 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở TP. HCM.

Tuy nhiên, ông Bé phản ánh doanh nghiệp đang gặp phải khá nhiều khó khăn về chi phí để duy trì hoạt động. Điều cần nhất hiện nay là doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, cho vay mới không thế chấp...

"Hiện nhiều doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp, do trước đó đã thế chấp để vay ngân hàng nhưng rất mong muốn được tạo điều kiện để vay vốn phục vụ tái sản xuất", ông Bé chia sẻ.

Cùng chung tình cảnh này, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết thời gian qu,a Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, song mức độ tiếp cận của doanh nghiệp còn khiêm tốn.

Theo đó, ông Việt Anh mong muốn Nhà nước có gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng. Doanh nghiệp mong muốn các khoản nợ đến hạn sẽ được ngân hàng giãn thời hạn, giảm lãi suất cho vay.

 

"Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận vốn vay ưu đãi, được giảm thuế giá trị gia tăng", ông Việt Anh kiến nghị.

Theo VCCI, gói hỗ trợ về vốn/tín dụng của Chính phủ bao gồm cho vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay... đã được triển khai từ đầu năm 2020. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 30,72% trong số 500 doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về vốn/tín dụng của Chính phủ.Các gói hỗ trợ về tín dụng cũng có giải ngân được cho doanh nghiệp nhưng tình trạng vẫn còn chậm có thể do những yêu cầu về thủ tục, chứng minh... đối với doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp Nhà nước được khảo sát chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI tiếp cận được gói hỗ trợ về tín dụng, còn tất cả doanh nghiệp FDI đều không tiếp cận được gói này. Như vậy, số doanh nghiệp tiếp cận được chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được gói hỗ trợ về vốn/tín dụng ở các doanh nghiệp nhỏ cao hơn các doanh nghiệp lớn, tương ứng gần 40% với các doanh nghiệp dưới 50 lao động và 22,2% với nhóm doanh nghiệp trên 500 lao động.

'Lấy độc trị độc'

Nguyên nhân được VCCI chỉ ra là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp do vấn đề quá trình thực thi. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng trong khâu thực thi tại cơ sở ở các cấp, các ngành và địa phương còn gặp phải nhiều vấn đề. Ngoài ra, do nguồn vốn gói tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường khó khăn hiện nay.

 

Mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng chần chừ vì chưa thấy các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng các khoản vay ưu đãi có tính chất dài hạn hơn, bảo lãnh tín dụng hay sự chia sẻ rủi ro tín dụng của Chính phủ.Ví dụ, Campuchia thành lập Quỹ đảm bảo tín dụng; Singapore đảm bảo tới 90% rủi ro tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các DN cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh thu của doanh nghiệp giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… Cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

"Cần thành lập sớm Quỹ Bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước, tức là Nhà nước bão lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay", PGS.TS. Trần Đình Thiên.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro đến mức nào thì phải tính toán, có tiêu chuẩn rõ ràng, căn cứ vào chính khả năng phục hồi của doanh nghiệp nhờ khoản vay đó, với sự bảo đảm của các quy định luật pháp phù hợp.

Theo ông Thiên, tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải biết "lấy độc trị độc" thì nền kinh tế mới "giải độc" được. Lúc này dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”.

 

Trong tình thế kinh tế khó khăn này, các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các doanh nghiệp này vay vốn. Nguy cơ doanh nghiệp không gượng dậy được vì thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế.

Theo đó, "phương thuốc" lấy độc trị độc mà TS. Thiên nhắc tới đó là cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước, tức là Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay.

Theo PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới,gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ còn thấp so với một số quốc gia, thủ tục phân bổ gói hỗ trợ này còn phức tạp, nên khó giải ngân cho các doanh nghiệp.

Ông Lược nhìn nhận hỗ trợ bằng tiền là rất quan trọng, nhưng nguồn lực của Chính phủ có hạn. Nếu Chính phủ gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, đổi mới tư duy, giải phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam khỏi các rào cản thì có thể các doanh nghiêp tư nhân Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá tốt hơn. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tuy đã được xem là động lực phát triển quan trọng, nhưng động lực này còn nhiều rào cản ràng buộc.

Nhấn mạnh Việt Nam phải xây dựng được một kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện, dài hơi, có tầm nhìn đồng bộ, GS.TS. Đỗ Nguyên Khoát, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm, có sự lan tỏa lớn.

 

Có thể dễ dàng nhận thấy, hai năm qua, kể từ khi dại dịch COVID-19 xảy ra, ngành hàng không, du lịch và khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Nhằm tạo điều kiện khắc phục nhanh chóng những hậu quả đại dịch, khu vực kinh tế này cần được áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, ông Khoát cho rằng cần tiếp tục kéo dài hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hàng không dưới các hình thức thuế, tín dụng ưu đãi, phí, lệ phí, bảo lãnh, giãn nợ và các ưu đãi khác trên tinh thần không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Với ngành du lịch, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, như: miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, GS.TS. Đỗ Nguyên Khoát nhấn mạnh tới hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm