Cần Thơ: Sơ kết mô hình thí điểm 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
Lâm Đồng: Thuyền chở khách thưởng ngoạn hồ Tuyền Lâm nằm bờ, xã viên lo lắng / Hỗ trợ 1 triệu USD cùng giải pháp quảng cáo sáng tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Để thực hiện đề án 1 triệu hec-ta lúa CLC, thành phố Cần Thơ đã chọn HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận tại huyện Vĩnh Thạnh làm thí điểm mô hình để nhân rộng.
Tháng 4/2024, HTX Tiến Thuận chính thức khởi động mô hình thí điểm với với diện tích 50 hec-ta. Qua triển khai, mô hình đã mang lại những kết quả rõ rệt khi giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng của mô hình thí điểm 1 triệu ha lúa CLC ở Cần Thơ.
Phát biểu tại hội thảo sơ kết mô hình, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, thí điểm mô hình tại Cần Thơ ở vụ lúa Hè Thu đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề án về sử dụng giống xác nhận, được sử dụng 60kg/hecta; sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ngập, khô xen kẽ; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng.
Mô hình thí điểm đã giảm số lần bón phân xuống còn 2 lần/vụ; giảm 20% lượng phân bón vô cơ; giảm lượng nước tưới; giảm dịch bệnh trên lúa; giảm đổ ngã và hạn chế thất thoát sau thu hoạch.
“Kết quả từ mô hình chính là nền tảng để ngành nông nghiệp Cần Thơ nhận rộng đến các vùng tham gia đề án 1 triệu hecta lúa đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận cho biết, mô hình thí điểm sử dụng giống lúa OM 5451 và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lối canh tác truyền thống. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Điều quan trọng nhất của mô hình là giảm phát thải khí nhà kính và tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, mô hình thực hiện với hai mục tiêu: một là áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị và tăng thu nhập cho người dân; hai là thông qua quy trình canh tác giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống gieo sạ và phân bón sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
“Đây là một trong những mô hình tương đối toàn diện, cần tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình này ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả Việt Nam nhằm thực hiện mong muốn của người trồng lúa có được cuộc sống tốt đẹp hơn, thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch và đóng góp chung vào mục tiêu của thế giới về chống biến đổi khí hậu”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo đánh giá của đại diện của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, mô hình này năng suất cao hơn so với canh tác truyền thống, năng suất ước đạt từ 6,3 đến 6,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm khi mang rơm ra khỏi đồng ruộng và điều quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo