Hỗ trợ doanh nghiệp

Cảnh báo tình trạng doanh nghiệp "mượn" xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế

DNVN - Bộ Công Thương kêu gọi một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành hoặc có dự định "mượn" xuất xứ hàng hóa "Made in Viet Nam" để hưởng ưu đãi thuế thì hết sức cân nhắc vì quyền lợi chung của cả cộng đồng doanh nghiệp và hình ảnh của Việt Nam.

Kiến nghị cho doanh nghiệp dùng tài sản trí tuệ để thế chấp vay vốn ngân hàng / Hai tháng đầu năm 2019: Gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận gần đây có tình trạng hàng hoá nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác. Không những là xuất khẩu mà còn đội lốt hàng Việt Nam để bán ngay tại thị trường Việt Nam.
Việc cần quan tâm hơn là hàng hoá nhái hàng Việt Nam để xuất khẩu với mục đích tận dụng ưu đãi về thuế của thị trường Việt Nam, nhất là trong thời gian vừa qua xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã cảnh báo và đưa ra khuyến nghị cần hết sức lưu ý đối với doanh nghiệp. Vì nếu không cẩn thận, có thể một vài doanh nghiệp được hưởng lợi, nhưng những doanh nghiệp khác sẽ có thể bị các nước mà Việt Nam xuất khẩu không cho nhập hàng vào họ. Điều đó gây ra thiệt lại hết sức lớn.
Để có thể đối phó và giảm thiểu tối đa việc này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… ngăn hai chiều, cả chiều từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng kêu gọi một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành hoặc có dự định làm việc như vậy thì hết sức cân nhắc vì quyền lợi chung của cả cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với báo DĐDN, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cũng đưa ra lời cảnh báo tới cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cần đề cao cảnh giác để tránh sự mời chào hay cám dỗ từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có nhà xưởng, máy móc và thực hiện đầy đủ các quy trình gia công đáp ứng được quy định về xuất xứ của Việt Nam thì sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu doanh nghiệp đó “bắt tay” với đối tác bên Trung Quốc chỉ để gia công đơn giản tại Việt Nam nhằm mục đích có được C/O để mượn mác của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thì sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Do vậy, trước khi thực hiện ký kết hợp đồng với đối tác thì doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ sản phẩm đó có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hay không.
Bà cũng đề nghị những cơ quan cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp cần có sự đánh giá về quy mô và mức độ đầu tư của doanh nghiệp. Từ đây có thể tư vấn, hướng dẫn và giúp doanh nghiệp ngay từ ban đầu khi tiến hành làm thủ tục đầu tư và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm