Hỗ trợ doanh nghiệp

Cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Để tăng khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước còn đòi hỏi các DN chủ động đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường chuyển đổi số.

Gia hạn thời gian xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2018 / Tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Sản xuất xe đạp điện Việt Nam nhãn hiệu Pega. Ảnh: Hoài Nam

Sản xuất xe đạp điện Việt Nam nhãn hiệu Pega. Ảnh: Hoài Nam

Thực lực cạnh tranh còn yếu

Theo Bộ Công Thương, dù nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng thực lực của các DN còn yếu, bởi có tới 95% DN là nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu nên sẽ chịu tác động từ những biến động của kinh tế thế giới.

Các DN phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các DN phải cạnh tranh lành mạnh, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, DN cần liên kết chặt chẽ với đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại nước sở tại để tăng cường kết nối với chính quyền, DN nước sở tại, từ đó xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên


Tại Hội nghị "Ổn định kinh tế & cạnh tranh DN" do Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu & cạnh tranh tổ chức mới đây, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nêu rõ: Hiện năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, DN Việt vẫn thờ ơ với cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nên khả năng cạnh tranh của các DN Việt còn kém. “Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018 cho thấy, so với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm các nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cũng nêu rõ 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, chỉ có 21% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia” - ông Lực nêu ví dụ. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu & Cạnh tranh Nguyễn Văn Nam nhìn nhận: Những năm gần đây mặc dù DN Việt Nam đã bắt đầu vươn lên, tuy nhiên khối DN Nhà nước vẫn còn nhiều trì trệ, chậm thực hiện cải cách, cổ phần hoá; khối DN tư nhân có bước phát triển mạnh, nhưng đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt, thể hiện qua lượng DN mới tăng cao nhưng số bị thải loại cũng cao không kém".

Chủ động chuyển đổi số

 

Để theo kịp cuộc CMCN 4.0 qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu đòi hỏi trong thời gian tới DN Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng công nghệ vào sản xuất.

Đề xuất giải pháp tăng cường sức cạnh tranh DN, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho rằng, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số. Cụ thể, chủ động ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng liên quan đến tăng khả năng cạnh tranh cho DN Việt, các chuyên gia kinh tế đề nghị trong thời gian tới Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến thương mại thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời… Cùng với đó, phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả. Đồng thời sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030.

Tuy nhiên các DN không nên quá trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ mà phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các Hiệp định FTA đã ký kết. Đồng thời tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển những ngành, mặt hàng có lợi thế, nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính. Chủ động nắm bắt thông tin và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, các DN cần tăng tính liên kết với các cơ quan Nhà nước để các cơ quan chức năng hiểu rõ hơn các khó khăn mà DN gặp phải trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ hoặc tạo khung pháp lý thuận lợi cho DN phát triển.

Thực tế cho thấy để có sự chuẩn bị tốt nhất cho nền kinh tế, khối DN cần chủ động xây dựng kế hoạch, đón đầu thuận lợi và thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, DN cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các Hiệp định FTA đã ký kết để tăng khả năng chống chịu đối với “cú sốc” kinh tế từ những thị trường lớn, chẳng hạn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

 

Theo kinhtedothi.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm