Chủ tịch VINASME kiến nghị Thủ tướng 6 giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa
DNVN - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 diễn ra sáng 9/5, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân đã kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV do chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Kiến nghị này được tập hợp từ ý kiến của 59 Chi hội thuộc Hiệp hội.
Thủ tướng: Doanh nghiệp hiến kế chứ không kể khổ tại "Hội nghị Diên Hồng" / Thủ tướng sẽ trực tiếp đưa ra cam kết với doanh nghiệp tại "Hội nghị Diên Hồng"
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh Covid-19, cụ thể là Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (hiện nay đã giải ngân trên 20.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ (tính đến ngày 20/4 đã tiếp nhận hơn 24.200 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất), gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ và gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ... Đặc biệt đối với riêng ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ v.v nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng.
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch VINASME, số lượng doanh nghiệp cần vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Do đó, trên cơ sở tập hợp các ý kiến của 59 Chi hội tỉnh thành trực thuộc Hiệp hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đã đề xuất với Thủ tướng 6 giải pháp:
Một là, hiện nay có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng rải rác trên toàn quốc với tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ trên, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.
Hai là, việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất khó, liên quan đến nhiều luật và các Bộ ngành. Nhưng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã đạt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Để giải ngân nhanh số vốn đầu tư công 700.000 tỷ, chúng tôi đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30;40% xuống còn 15;20%.
Ba là, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.
Bốn là, Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Năm là, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp:
Thứ nhất: Chính phủ nên thông qua hình thức phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý.
Thứ hai: sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát (sandbox) cho các hoạt động fintech, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (p2p lending).
Sáu là, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, các tổng công ty, tập đoàn lớn của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu u và Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển “nóng” qua các quốc gia khác (thậm chí có sự hỗ trợ của Chính phủ nước họ). Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội ổn định và có tỷ lệ dân số “vàng” đầy hấp dẫn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Cuối cùng là, Đề nghị Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm khắc xử lý tất cả các hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để trục lợi trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để chống trọi với đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả sau dịch.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức dưới hình thức vừa trực tiếp, trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố; 30 điểm cầu Bộ, ngành Trung ương và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam. Hội nghị tạo điều kiện cho 800 nghìn doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh và tất cả người dân Việt Nam cũng như người Việt Nam ở nước ngoài đều được theo dõi, lắng nghe các ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ. Tại sự kiện, ngoài báo cáo khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị có báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo cáo tham luận của các Bộ, cơ quan liên quan, một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia độc lập. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải đáp kiến nghị của các hội nghị và người dân trong quá trình diễn ra Hội nghị. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để nghiên cứu ban hành Kế hoạch hành động hoặc Nghị quyết của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng, đổi mới và phát triển. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo