Chuyên gia: Doanh nghiệp không nên ‘tút tát’ báo cáo tài chính để tiếp cận vốn
CARE ra mắt chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp / Kiến nghị nâng mức hỗ trợ chi phí cho nghiên cứu và phát triển
Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 88% doanh nghiệp Việt Nam nhưng trong số này chỉ có 10% DN tiếp cận được vốn, dù DN nào cũng có nhu cầu. Nguyên nhân là DN không có tài sản bảo đảm, hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp.
Tháng 7/2023, Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác đào tạo về xếp hạng tín nhiệm DNNVV. Thoả thuận này đa dạng hóa và thiết kế chuyên biệt với kỳ vọng cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV Việt Nam.
Tại chương trình tập huấn “Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường khả năng tiếp cận vốn” ngày 29/3 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai cho biết, định hướng về câu chuyện xếp hạng tín nhiệm DNNVV đang triển khai là rất hữu ích không chỉ với DN mà còn hữu ích đối với ngân hàng.
Vietinbank xếp hạng tín nhiệm DN dựa vào những chỉ tiêu tài chính của DN, báo cáo tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kinh doanh. Ngoài ra, còn có những yếu tố phi tài chính là quy mô con người, cơ sở vật chất, tín nhiệm của chủ DN.
“Nếu như bên VINASME có đánh giá độc lập thì đây là yếu tố khách quan, và độ chuyên nghiệp cao hơn rất nhiều so với cán bộ của Vietinbank tự đánh giá xếp hạng tín nhiệm DN. Theo tôi đánh giá, cách làm này đang rất phù hợp với xu thế hiện nay”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, làm sao để tiếp cận vốn, các diễn giả đã nói đến báo cáo tài chính của DN hiện không đủ tin cậy để báo cáo thuế nên phải xếp hạng tín nhiệm của DN, cần phải có quỹ bảo lãnh để tiếp cận vay vốn.
Tuy vậy, theo bà Hạnh, gốc gác của vấn đề lại đang nằm ở DN, đó là báo cáo tài chính.
“Tại sao ACCA không bổ sung thêm việc giúp DN làm sao thay đổi tư duy?”, bà Hạnh gợi ý đồng thời giải thích DN Việt Nam, nhất là DNNVV thường hướng đến việc tối đa hoá lợi ích. ACCA làm sao hỗ trợ để DN chỉ cần dùng 1 hệ thống báo cáo tài chính duy nhất nhưng bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật.
Theo đó, những khâu trung gian sau đó, câu chuyện xếp hạng DN để DN tiếp cận vốn đơn giản rất nhiều. Để được bảo lãnh, DN cũng phải chứng minh được con số, DN có đủ uy tín để làm bảo lãnh cho DN tiếp cận vốn ngân hàng hay không.
Ngoài việc triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm DN, cần đi vào bản chất của vấn đề nhiều hơn nữa.
“Cái kết không thể đóng được giữa câu chuyện DN đang cần vốn và ngân hàng cũng đang muốn giải ngân vốn, DN không thể tiếp cận và ngân hàng không thể giải ngân là câu chuyện thay đổi tư duy. DN nên từ từ bỏ tư duy "khó tiếp cận", vì nếu cứ nghĩ khó thì sẽ mãi mãi là khó”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Hiện tất cả quy trình tiếp cận vốn của DN đều minh bạch, hiện đại hoá, số hoá tất cả, thậm chí người dân, DN ngồi nhà cũng vay vốn được.
"Thay vì phải "tút tát" báo cáo tài chính, phải giữ khoảng cách với ngân hàng, các DN hãy cởi mở. Dữ liệu như thế nào phải thể hiện hết ra. Khi DN cởi mở thì mọi hỗ trợ sẽ nhanh nhất và hiệu quả nhất", bà Hạnh khuyến nghị.
Một số DN khách hàng thân hữu của ngân hàng có mối quan hệ hàng chục năm với Vietinbank. Họ cũng xuất phát từ các DNVVV rồi phát triển và lớn dần lên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, việc DN chủ động xếp hạng hay chấm điểm tín dụng là cần thiết và lợi ích sẽ lớn hơn là chi phí. Các DN cần phải minh bạch, nên tự chấm điểm mình, hay nói cách khác là “vạch áo cho người xem lưng” nếu được lợi thì vẫn nên làm. Trong trường hợp VINASME và các đơn vị liên quan hợp tác hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm DN là việc “vạch áo” có lợi cho DN.
Ông Thuân cũng khuyến nghị cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức cần tích cực bắt tay nhau hỗ trợ DN tiếp cận vốn.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ hi vọng Vietinbank, Fiin Ratings, Saigon Ratings… có thể cùng nhau hợp tác, hỗ trợ VINASME và các DNNVV đưa ra 1 công thức chung cho xếp hạng tín dụng. Các định chế, các tổ chức tài chính cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng DNNVV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo