Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng: Lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ mới?
Hàng trăm doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng / Lâm Đồng: Đối thoại với lãnh đạo tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị
Ông Nguyễn Văn Yên, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Xác định “Doanh nghiệp và các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tự lực vươn lên, hội nhập quốc tế, liên kết phát triển”, cá nhân tôi cũng như chính quyền địa phương mong muốn và kỳ vọng trong nhiệm kỳ III (năm 2020-2025), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục có thêm nhiều giải pháp, hành động sáng tạo, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới; góp phần cùng với chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Yên, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cùng các Hội, Hiệp hội ngành nghề cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng quy chế phối hợp nhịp nhàng, kết thành một khối thống nhất để tăng cường sức mạnh cạnh tranh trong giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng, để doanh nghiệp địa phương sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Với phương châm “Đồng hành cùng Doanh nghiệp”, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar): Tôi mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ trở thành đầu mối, trung tâm đoàn kết các doanh nghiệp, tạo thêm chuỗi giá trị cho hội viên, trong chia sẻ kinh nghiệm, kết nối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm giữa các hội viên trong Hiệp hội nói riêng, cũng như trong nước và quốc tế nói chung.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Lâm Đồng.
Công tác phát triển hội viên để vai trò của Hiệp hội được nâng lên cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới. Sự phối hợp liên kết giữa các hội thành viên cũng cần được quan tâm hơn nữa, để tạo sự đa dạng, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Tôi cũng kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội sẽ gần gũi, sâu sát hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Qua đó sẽ có những phản ánh, kiến nghị, cũng như phản biện các chính sách, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, hội viên.
Ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn: Với tư cách là một doanh hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội sẽ có nhiều hoạt động khởi sắc hơn, tạo thêm nhiều giá trị cho hội viên.
Hiệp hội cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của các ban chuyên môn; Quan tâm hơn nữa việc hướng dẫn, hỗ trợ các Chi hội đi vào nề nếp, có nhiều hoạt động thiết thực với doanh nghiệp; là cầu nối của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn.
Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp cả về chất lượng và số lượng, chú trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và hỗ trợ khởi nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, mong Hiệp hội mở rộng quan hệ hợp tác, đối tác với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp các địa phương khác, tạo kênh cung cấp nguyên liệu, phát triển kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ông Phạm Minh Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang: Doanh nghiệp ở Lâm Đồng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Vì thế chủ doanh nghiệp và các bộ phận khác thiếu rất nhiều kiến thức, kỹ năng trong quản lý, nghiệp vụ. Vì thế, rất mong Hiệp hội sẽ tạo điều kiện để được kết nối với những đơn vị, đối tác có uy tín để học hỏi, trang bị công nghệ mới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần có những chương trình phối hợp hỗ trợ đào tạo, chuẩn hoá kỹ năng, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp cho lao động địa phương, để tạo nguồn lao động sẵn cho doanh nghiệp. Vì có một thực tế là hiện nay, khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thì lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thậm chí không biết làm việc.
Ông Phạm Minh Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Xuân Trang.
Phối hợp với các cơ quan chức năng, đề xuất lãnh đạo tỉnh tổ chức các hội nghị Hội thảo, thông tin, kết nối thương mại, liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng khai thác, tìm kiếm và có thể mua thông tin về các chương trình, dự án về hỗ trợ Doanh nghiệp phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các chương trình, dự án, đối tác tốt, có uy tín.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH ActionCOACH PRO: Hiệp hội cần nhân rộng mô hình Cà phê Doanh nhân, kết nối cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng theo từng cụm, hoặc từng khu vực định kỳ hàng tháng để các chủ doanh nghiệp, CEO gặp gỡ, giao lưu, thấu hiểu, tạo sự liên kết, hỗ trợ hợp tác cùng nhau phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH ActionCOACH PRO.
Đồng thời, tăng cường giao thương với các Hiệp hội, tổ chức doanh nhân của các tỉnh thành trong cả nước và một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore..., góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, học hỏi giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các chủ doanh nghiệp, CEO đều mong muốn được hỗ trợ kết nối kinh doanh, học hỏi phát triển năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp hơn nữa để đáp ứng tốc độ phát triển của nền kinh tế 4.0, hoà vào “dòng chảy” kinh tế thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo