Hỗ trợ doanh nghiệp

DN logistics Việt Nam nên mừng hay lo khi EVFTA có hiệu lực?

DNVN - Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần làm gì để tận dụng được cơ hội to lớn cùng những thách thức không nhỏ từ EVFTA mang lại?

Bài học thất bại điển hình từ các doanh nghiệp gia đình Nhật Bản / Xây dựng thương hiệu – Khoảng trống còn bỏ ngỏ của nhiều doanh nghiệp

Băn khoăn này đã được các diễn giả đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu”
do Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức sáng 24/12 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,8 tỷ USD năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,88 tỷ) và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 10 lần (1,3 tỷ USD lên 13,89 tỷ USD)
Trong bối cảnh quan hệ thương mai Việt Nam-EU ngày càng tốt đẹp, ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký EVFTA và EVIPA.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương).
Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế, các cơ hội gia tăng XK cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU.
Nói rõ hơn về cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA, ông Nguyễn Cảnh Cường - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin: Cam kết mở cửa thị trường logicstic là 51%.
Theo ông Cường, ý nghĩa của con số 51% là doanh nhân/nhà đầu tư EU có thể sở hữu doanh nghiệp logistics lên tới 51% thông qua góp vốn liên doanh hay mua cổ phần. Quyền quyết định tại doanh nghiệp thuộc về cổ đông có trên 50% cổ phần. Tuy nhiên, điều kiện an toàn là không ảnh hưởng hay có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Các DN logistics Việt Nam nên mừng hay lo khi EVFTA có hiệu lực?
Ông Cường cho rằng, tác động của EVFTA đối với XNK, về tổng quát là sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại EU sẽ tăng trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển chưa có FTA với EU, kéo theo xuất khẩu từ VN sang EU sẽ tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng khi hầu hết sản phẩm các loại được giảm thuế nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu và sức mua tại Việt Nam tăng.
Trong bối cảnh này, ngành logistics chịu tác động lớn. Các DN logistics sẽ có nhiều khách hàng hơn, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển, phân loại, đóng gói, lưu kho, phân phối. Điều quan trọng hơn là tăng nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực logicstics cũng như tăng nhu cầu đầu tư (công nghệ, phương tiện, quản lý).

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ trong phần tọa đàm.
Trên khía cạnh tiềm năng, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, đây là điều kiện tốt cho các nhà đầu tư và DN Việt Nam. Logistics là ngành đặc biệt vì không tạo ra sản phẩm. Nếu vận hành tốt hoạt động logistics sẽ giảm thiểu về lãng phí thời gian, hư hỏng sản phẩm. Do đó, dư địa để tăng hiệu quả năng suất cho logistics Việt Nam là rất lớn bởi Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng thực tế công tác đào tạo nhân lực của Việt Nam chưa đạt yêu cầu.
Tuy vậy, Tham tán Thương mại tại Vương quốc Anh nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập thì cơ hội và thách thức đối với chủ doanh nghiệp logistics đan xen với nhau. Đó là cơ hội mở rộng thị trường đồng thời đối diện với gia tăng sức ép cạnh tranh; Có thể bị mất nhân lực giỏi vào tay đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, với người lao động, có thể thêm cơ hội việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; thu nhập và phúc lợi tăng. Đối với tổng thể nền kinh tế, đó là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logicstic....
Các xu hướng của logistics EU và lời khuyên cho DN Việt Nam
Bà Đinh Bảo Linh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, những xu hướng chính của logistics EU bao gồm các thay đổi trong lĩnh vực logistics do Brexit (Vận tải, kho bãi, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, Single market…xem các báo cáo tháng về thị trường logistics EU trên trang www.logistics.gov.vn). Các quy định về bảo vệ môi trường tiếp tục chi phối. Tự động hóa, phương tiện vận tải, giao hàng không người lái, chuỗi lạnh hiện đại. E-commerce sẽ là động lực chính (thị trường e-commerce hiện đạt khoảng 600 tỷ USD) cho sự phát triển của thị trường EU trong thời gian tới.

Bà Đinh Bảo Linh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương.
Xu hướng các nhà máy lớn quay trở lại EU, tạo thêm cơ hội cho logistics nội khối phát triển. Đồng thời xu hướng M&A hoặc hợp tác, liên minh hãng tàu...để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nên lưu tâm.
Liên quan tới nội dung hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan, bà Trịnh Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nắm vững quy tắc xuất xứ để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA.
Theo bà Hiền, ngoài các trường hợp cộng gộp xuất xứ của hai bên gồm Việt Nam và 28 nước viên EU, EVFTA còn cho phép cộng gộp xuất xứ mở rộng trong 2 trường hợp. Một là Cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc đối với hàng dệt may: Trong quá trình sản xuất các sản phẩm dệt may, các nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam, miễn là thỏa mãn các yêu cầu về quy trình sản xuất. Trong tương lai, nếu có một nước nào đó cùng có FTA với VN và EU thì Việt Nam sẽ thông báo cho Ủy ban Hải quan của EVFTA và Ủy ban này sẽ quyết định việc có cho phép cộng gộp không.
Hai là Cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc: Các nguyên liệu có xuất xứ từ một nước ASEAN sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam, nếu nguyên liệu này thuộc (i) Danh sách được liệt kê tại Phụ lục III Nghị định thư; (ii). Nguyên liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm được liệt kê tại Phụ lục IV Nghị định thư; (iii). Nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN có cam kết tuân thủ các quy định tại Nghị định thư này và có hợp tác hành chính cần thiết với EU để bảo đảm việc thực thi đầy đủ Nghị định thư này với EU và giữa họ với nhau.
Đối với nguyên vật liệu không có xuất xứ, hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam/EU, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ, EVFTA không có công thức chung như ATIGA mà đưa ra các quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho từng nhóm sản phẩm. Ví dụ: Rau củ quả chế biến được phép sử dụng nguyên liệu đường không có xuất xứ trong các sản phẩm rau củ quả chế biến với tỷ lệ không quá 20% (với điều kiện rau củ quả phải nguyên liệu xuất xứ thuần túy).
Đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp logistics Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, các doanh nghiệp một là chấp nhận cạnh tranh, theo đó phải đầu tư hạ tầng và công nghệ, cải tiến quản trị bởi Việt Nam có khoảng cách khá xa so với châu Âu về công tác quản trị; đồng thời nâng cao kỹ năng quản lý và chăm sóc khách hàng. Hai là, sáp nhập hay bán cổ phần để tạo thành doanh nghiệp mới có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Ba là, cải tiến chế độ phân phối thu nhập để khuyến khích, giữ nhân viên giỏi trong khi có quy chế đào thải nhân viên kém.
Thông điệp mà ông Cường muốn truyền tải tại hội thảo là cơ hội logistics cho các doanh nghiệp nước ta còn rất nhiều, các bạn trẻ hãy tận dụng cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy logistics Việt Nam phát triển và hội nhập hiệu quả trong thời gian tới.
Dự kiến, đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất.
EVFTA và EVIPA chính thức được ký kết vào ngày 30/6/2019. Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm. 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm