Doanh nghiệp dệt may Việt nên mạnh dạn đầu tư, hợp tác với Ai Cập
DNVN - Với mong muốn tạo ra các trung tâm thời trang, Ai Cập nói riêng và Châu Phi nói chung luôn mở rộng mời gọi các doanh nghiệp (DN) toàn cầu, trong đó có DN Việt Nam tham gia đầu tư trong lĩnh vực này.
Xuất khẩu sang Nigeria: Cẩn trọng kẻo mắc bẫy các chiêu trò lừa đảo / Kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam với đối tác tại Vietnam Expo 2022
Tại phiên toàn thể của hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Châu Phi 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương Việt Nam tại các nước khu vực Châu Phi tổ chức ngày 14/4, ông Mohamed Kassem - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ai Cập đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với doanh nghiệp Ai Cập trong lĩnh vực thời trang.
Theo ông Kassem, ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn do COVID-19, ảnh hưởng và làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Sản lượng các ngành sản xuất và dịch vụ của Ai Cập, trong đó có ngành dệt may đã sụt giảm rất mạnh.
Cũng như Việt Nam, hiện Ai Cập đang hướng đến sự hồi phục, điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Ai Cập đã thực hiện các chính sách thúc đẩy hỗ trợ DN, đặc biệt là ngành dệt may, để tạo ra các trung tâm - nơi hội tụ sự hợp tác giữa các DN sản xuất kinh doanh với nhau.
Có nhiều thuận lợi để DN Việt Nam đầu tư vào thị trường Ai Cập. (Ảnh: Báo Nhân dân)
"Tôi cũng nhận thấy cơ hội mà các DN đã tạo ra cho ngành dệt may và sản phẩm thời trang. Doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập có cơ hội hợp tác song phương. Ai Cập có lợi thế về thương mại với những quốc gia khác ỏ Châu Phi, hưởng lợi ích từ FTA với Châu Âu cũng như FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Điều này tạo ra điểm tiếp cận thị trường rất tốt cho các doanh nghiệp Việt", ông Kassem nói.
Cũng theo ông Kassem, các DN Trung Quốc, Ấn Độ đã mở nhiều cửa hàng ở Ai Cập, thông qua đó tiếp cận các quốc gia khác ở Châu Phi. Ông mong muốn các DN Việt Nam tiếp tục khai thác cơ hội này để tiếp cận thị trường.
"Châu Phi là thị trường mở với mong muốn mời gọi sự đầu tư của các quốc gia, đặc biệt trong ngành dệt may. Chúng ta sẽ hợp lực với nhau để tạo ra các trung tâm thời trang, thu hút các DN hợp tác. Và chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi này", ông Kassem nói.
Đánh giá thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, Ai Cập là thị trường hết sức tiềm năng cho các DN Việt Nam đầu tư cũng như tăng xuất khẩu. Các DN có thể mạnh dạn đầu tư vào Ai Cập và đầu tư sang thị trường này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu so sánh với Nigeria.
Những yếu tố thuận lợi có thể kể đến là Ai Cập không thiếu điện, đảm bảo điện 24/7 phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Liên quan đến vấn đề thanh toán, mới đây, Ngân hàng Trung ương Ai Cập ban hành quy định nhiều mặt hàng khi xuất khẩu sang Ai Cập DN bắt buộc phải mở LC. Quy định này tốt cho DN Việt Nam tránh được rủi ro về thanh toán.
Đặc biệt, điểm thuận lợi khác là Ai Cập rất mong muốn, khuyến khích đầu tư để tận dụng các FTA giữa Ai Cập và các nước khác trong khu vực để từ đó hàng Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nước Châu Phi khác và được hưởng những ưu đãi đó từ các FTA.
Tuy nhiên, theo ông Hưng thị trường Ai Cập có một số rào cản như phi thuế quan, thuế xuất khẩu các mặt hàng dệt may ở mức khá cao (khoảng 40%), giày dép lên tới 60%. Trong khi Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, các hàng xuất khẩu chất lượng từ Châu Âu và trong khu vực họ có các FTA.
Với những rào cản, Thương vụ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các thông tin với DN Việt tìm hướng đi khác tại thị trường Ai Cập nói riêng cũng như Châu Phi nói chung.
"Gần đây nhất, một DN Việt Nam đã sang Ai Cập tìm kiếm cơ hội đầu tư. Qua trao đổi, DN cho biết, sau khi làm việc với Tổng Cục Đầu tư Ai Cập, DN đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp và tính hỗ trợ của cơ quan này. Khi đoàn DN Việt Nam sang, trong vòng 1 tháng, họ được đưa đi xem rất nhiều cơ sở, qua đó biết được cách thức đầu tư nhà máy, nhân công, điện, giá thành... Qua đây, tôi khuyên các DN Việt Nam mạnh dạn sang Ai Cập tìm kiếm cơ hội đầu tư, để từ đây có thể xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực Châu Phi", ông Hưng chia sẻ.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo