Chưa có nhiều doanh nghiệp Châu Phi biết tới hàng dệt may Việt Nam
DNVN - Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, mặc dù đã có tăng trưởng đáng kể trong những năm qua nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Châu Phi chưa tương xứng với triển vọng, đặc biệt là ngành thời trang. Chưa có nhiều doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng Châu Phi biết tới các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam.
Ấn Độ ra quy định mới về xuất xứ hàng hóa, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt / Xuất khẩu sang Nigeria: Cẩn trọng kẻo mắc bẫy các chiêu trò lừa đảo
Kim ngạch xuất khẩu rất hạn chế
Tại phiên toàn thể của hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Châu Phi 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương Việt Nam tại các nước khu vực Châu Phi tổ chức ngày 14/4, ông Lê Hoàng Tài cho biết, Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi. Trong quan hệ thương mại, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các thị trường Châu Phi từ mức 2,5 tỷ USD vào năm 2010 đã tăng 2,5 lần lên 6,25 tỷ USD vào năm 2020.
Hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Châu Phi chứng kiến sự gia tăng cả về số lượng, giá trị và địa bàn đầu tư. Năm 2021 ghi nhận tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi đạt 3,36 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Xuất khẩu từ Châu Phi sang Việt Nam đạt 4,71 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2020.
Ông Lê Hoàng Tài cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Châu Phi còn rất hạn chế.
"Mặc dù đã có tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, tôi cho rằng mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Châu Phi chưa tương xứng với triển vọng, đặc biệt là đối với lĩnh vực ngành hàng thời trang. Hiện nay, nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng thời trang ở Châu Phi đang tăng lên, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực Châu Phi biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam.
Trong khi đó, ngành sản xuất dệt may và da giày tại Việt Nam rất phát triển, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn với mức độ yêu cầu cao từ nhiều phân khúc thị trường trên thế giới nhưng mức độ cung ứng cho thị trường khu vực Châu Phi chỉ chiếm số lượng và kim ngạch hết sức hạn chế", ông Tài nhận định.
Cơ hội hợp tác trong bối cảnh mới
Đánh giá cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành thời trang Việt Nam trong bối cảnh mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với 55 quốc gia và dân số hơn 1,2 tỷ người, kinh tế khu vực Châu Phi tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo.
Hiện có 43/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO. Do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu. Một lợi thế khác trong hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi là hai bên có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhấn mạnh cơ hội với các DN châu Phi đầu tư vào Việt Nam, bà Mai cho biết, Việt Nam thực hiện chính sách sống chung với COVID-19 và đã tham gia nhiều FTA. Nếu các DN Châu Phi đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để có thể hưởng lợi về thuế. Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, chính sách ưu đãi cho các DN FDI. Với nguồn nhân lực dồi dào, người Việt Nam khá thân thiện, thích ứng khá nhanh với những vấn đề mới như chuyển đổi số hay kinh tế tuần hoàn.
Theo các diễn giả, doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Châu Phi có nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh mới.
"Với những thế mạnh của Việt Nam, chúng tôi muốn kêu gọi các DN Châu Phi đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi. Những lĩnh vực ưu tiên mà chúng tôi muốn kêu gọi đầu tư ở đây là sản xuất vải. Hiện tại Việt Nam nhập rất nhiều vải từ Trung Quốc và đang dần tiến tới nội địa hóa để hưởng lợi theo các quy tắc xuất xứ từ các FTA. Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. Tuy nhiên, cần phải đầu tư xanh, sạch bằng việc sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng nền kinh tế tuần hoàn", bà Mai nói.
Ở chiều ngược lại, bà Mai đánh giá, thị trường Châu Phi rất tiềm năng, dư địa còn nhiều cho các DN Việt Nam. Cần khảo sát, theo dõi con số thống kê từ các tham tán thương mại để tìm kiếm cơ hội cho các DN Việt Nam xuất khẩu vào Châu Phi cũng như đầu tư các nhà máy may.
"Với lượng bông Việt Nam đang nhập từ Tây và Trung Phi, tôi nghĩ sắp tới nếu có cơ hội hợp tác tốt thì chúng ta vẫn có thể tăng cường lượng bông đang nhập từ Châu Phi để Việt Nam cũng như châu lục này có sự hợp tác win - win", bà Mai chia sẻ.
Cần đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu
Ông Opeyemi Alaran - Quyền Chủ tịch Liên đoàn các phòng thương mại, công nghiệp, mỏ và nông nghiệp quốc gia Nigeria cho biết, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Algeria hiện chưa phản ánh đúng mối quan hệ giữa hai nước.
"Tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu là một lời cảnh tỉnh về việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu, địa điểm sản xuất và thị trường và Châu Phi mang đến những cơ hội to lớn trong lĩnh vực này", ông Opeyemi Alaran chia sẻ.
Dư địa xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Châu Phi là rất lớn.
Theo vị này, với số dân khoảng 200 triệu người, Nigeria là thị trường phù hợp để thu lợi nhuận từ bất kỳ hoạt động đầu tư và kinh doanh nào. Nơi đây có lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao với 43% dân số dưới 35 tuổi. Tỷ lệ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như thị trường tài chính mạnh mẽ với 7 trong số 25 ngân hàng hàng đầu ở châu Phi và Sở giao dịch chứng khoán lớn thứ hai trên lục địa.
Ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria cho hay, Algeria nhập khẩu hàng dệt may chiếm tới gần 94% thị phần trong khi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 6%. Mỗi năm ngành dệt may Algeria nhập khẩu khoảng 500 triệu mét vải để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất trong nước.
Các mặt hàng dệt may của các thương hiệu Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Quốc hiện diện rất nhiều tại Algeria. Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Algeria là 31 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu vải bông lên đến 704 triệu USD.
Về xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Algeria vẫn còn khiêm tốn, đạt khoảng 2,2 triệu USD trong năm 2020 bao gồm cả hàng dệt may và vải.
Các thương hiệu "made in Vietnam" chủ yếu xuất khẩu sang Algeria gồm Nike, Adidas, Lascote... được người tiêu dùng Algeria đánh giá cao. Đối với những nước không có FTA với Algeria, các loại thuế với hàng may mặc vào Algeria vẫn còn ở mức cao.
"Thương vụ nhận thấy DN Algeria có nhu cầu cao về vải sợi phục vụ sản xuất ngành dệt may trong nước. Bên cạnh đó, các DN Algeria kêu gọi DN Việt Nam đầu tư liên doanh liên kết, sản xuất cũng như thiết kế", ông Nhuận thông tin.
"Hi vọng qua hội nghị, các DN Việt Nam và DN Algeria nói riêng và Châu Phi nói chung có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, liên doanh liên kết trên cơ sở cùng thắng, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại song phương", ông Nhuận bày tỏ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo