Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp 'khóc ròng' vì đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ là hướng đi đúng đắn nhưng hệ sinh thái về đất, vốn, công nghệ chưa đầy đủ đã khiến các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này gặp khó khăn, có doanh nghiệp thua lỗ hàng tỷ đồng mỗi tháng. Đây là bất cập cần phải giải quyết ngay để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đúng tiềm năng và bền vững.

Tháo gỡ, hỗ trợ, nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp / Khó xử doanh nghiệp núp bóng COVID "né" BHXH

Tại Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", chiều ngày 17/12, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh nhiều bất cập, khó khăn khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc công ty CP xây dựng và thương mại phong cách mới (Queen Farm), chia sẻ năm 2017, ông bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, cũng như các đơn vị đầu tư trong kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp khác, Queen Farm cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc tiếp cận với các cơ chế chính sách của Nhà nước.

ung-dung-cong-nghe-cao-4172-1608197880.j

Doanh nghiệp nông nghiệp cao gặp nhiều khó khăn về vốn, đất đai, công nghệ.

Trong đó, vốn đang là một khó khăn lớn đối với Queen Farm. Để có được vốn ban đầu đầu tư mua lại đất nông nghiệp của người dân đã là một vấn đề nan giải, chưa kể đến vốn đầu tư các công trình hạng mục phục vụ cho sản xuất như nhà màng, nhà lưới… Các ngân hàng có rất ít nguồn vốn vay cho nông nghiệp, chưa kể việc tiếp cận được còn phải chuẩn bị rất nhiều thủ tục mà doanh nghiệp làm nông nghiệp rất khó để đáp ứng.

Khó khăn của doanh nghiệp trên còn nằm ở vấn đề công nghệ. Các công nghệ tiên tiến ở trên thế giới còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Dẫn đến, đại diện Queen Farm cho biết, doanh nghiệp phải tự liên hệ với các đối tác chuyển giao công nghệ ở nước ngoài như Nhật Bản, Bỉ, Đức…

Hơn nữa, ông Tân phàn nàn về khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Việc người dân bỏ ruộng đất đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên khi doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất của người dân để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao thì gặp phải rất nhiều vấn đề.

Đại diện Queen Farm kiến nghị: Chính phủ cần tạo thêm cơ chế khuyến khích, ưu đãi kích cầu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường sự liên kết giữa 4 nhà nhằm tạo được cầu nối cho sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường.

Nhìn lại chặng đường 12 năm xây dựng và phát triển, ông Trần Đức Minh, Tổng giám đốc Chủ tịch HĐQT Triso Group, chia sẻ doanh nghiệp này trải qua không ít khó khăn. Cụ thể, về quy hoạch đất đai cho việc sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thời gian thuê đất sử dụng còn ngắn hạn. Trong khi vốn đầu tư lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ. Điều này khiến các doanh nghiệp không dám mạo hiểm. Thậm chí, với kỹ thuật canh tác cũ, lạm dụng phân bón hóa học nhiều năm khiến đất bạc màu, cằn cỗi… Doanh nghiệp tiếp cận được quỹ đất mất rất nhiều thời gian và nhân công để cải tạo đất.

 

Trong khi đó, các sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém. Nguyên nhân do nhiều loại nông sản chưa có thương hiệu, xuất khẩu dạng thô.

Vì vậy, đại diện Triso Group mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Xác nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu…) để doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận được nguồn vốn.

Gỡ 'nút thắt' từ chính sách

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê, cho hay DN bắt đầu làm nông nghiệp cao được 5 năm nay với số tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đến giờ vẫn chưa có lãi, thậm chí mỗi tháng bù lỗ từ 1,5 - 3 tỷ đồng.Khó khăn của doanh nghiệp là tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ.

"Ô tô thế chấp được ngay nhưng máy cày, máy gặt đập thì không thế chấp được. Hàng tỷ đồng một cái máy nhưng về không được thế chấp vay được tiền từ ngân hàng. Đó là điều bất cập", bà Hiền nói.

 

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, kiến nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như đơn giản hóa thủ tục cho vay, hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoc học nông nghiệp Việt Nam, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực NN&PTNT của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ. Như vậy, với trên 40 tỷ USD xuất khẩu nông sản của các năm 2018-2020, chúng ta có khoảng 200 triệu USD đầu tư lại cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gấp 4 lần kinh phí của Nhà nước đầu tư cho Bộ NN&PTNT ở thời gian hiện tại.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

“Chúng ta hãy nối vòng tay lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng dẫn nhận định của nhóm nghiên cứu đại học Havard khi công bố báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tiên ở Việt Nam, khi đặt câu hỏi lớn cũng chính là câu trả lời về lựa chọn lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng của Việt Nam đó là: Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới, cung ứng được lương thực, thực phẩm cho thế giới, trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch quốc tế.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm