Doanh nghiệp không có đơn hàng, hơn 30% người lao động mất việc
DNVN - Kết quả khảo sát trực tuyến do Ban IV phối hợp với Báo điện tử VnExpress thực hiện cho thấy, 31% người lao động (NLĐ) trong tình trạng không có việc làm do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng phải đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Thường xuyên bị cắt điện luân phiên, doanh nghiệp cảng biển thiệt hại lớn / Nhanh chóng tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn
Thách thức với thị trường lao động
Theo kết quả khảo sát trực tuyến do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4/2023, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây. Những kết quả chính của cuộc khảo sát này rất tương đồng với kết quả khảo sát DN mà Ban IV và VnExpress tiến hành trước đó.
Cụ thể, trong tổng số hơn 8.300 người lao động (NLĐ) tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh COVID-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng vẫn còn khá cao. Điều này cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Xét theo địa phương thì TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành có tỷ lệ NLĐ không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Nhiều lao động rơi vào cảnh mất việc do DN thiếu đơn hàng. (Ảnh: ZingNews)
Nhận diện nguyên nhân không có việc làm, có 32,4% NLĐ không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh. Trong khi đo, 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Xu hướng số lượng NLĐ bị mất việc tại các DN không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023 , và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023. Theo kết quả khảo sát tình hình DN mới đây của Ban IV, trong số các DN dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% DN dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.
Liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, kết quả khảo sát cho thấy, có 14% NLĐ tham gia khảo sát đã từng rút BHXH một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc. Trong khi đó, 14% lại là vì lý do lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH. Khi được hỏi về khả năng đóng lại BXH, 48% số lao động từng rút BHXH cho biết không muốn đóng lại.
Cần trợ lực cho doanh nghiệp
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua kết quả khảo sát, Ban IV cho rằng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho NLĐ trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, việc quan trọng nhất vẫn là phải trợ lực cho DN để DN duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nhóm giải pháp trợ lực cho DN, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho NLĐ, điển hình như kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng. Giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến BHXH, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới. Tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ. Đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho DN vay trả lương cho NLĐ hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân NLĐ… Không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả DN và NLĐ.
Liên quan đến vấn đề BHXH và rút BHXH một lần, theo Ban IV, kết quả khảo sát cho thấy xu hướng này còn chưa dừng lại khi mà NLĐ vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt.
Để hỗ trợ NLĐ đồng thời giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan xem xét, nghiên cứu cho NLĐ sử dụng sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Cho phép DN, NLĐ không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024. Giãn, hoãn các khoản thuế, phí khác để DN và NLĐ dồn nguồn lực này cho NLĐ trang trải trực tiếp các nhu cầu cuộc sống, nhằm giảm áp lực, kỳ vọng vào khoản tiền rút từ BHXH.
Ngoài ra, liên quan đến căn cứ tính đóng BHXH trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ban IV đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH, kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm bảo đảm các mục tiêu toàn diện của chính sách, đồng thời giảm áp lực về chi phí đóng cho cả NLĐ và DN trong bối cảnh đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo