Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp vận tải TP Hồ Chí Minh kêu khó nếu áp dụng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải

DNVN - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa gửi Sở Y tế về dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) vận tải mở dần các hoạt động trong giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên các DN cho biết, bộ tiêu chí vẫn thiếu cơ sở thực tiễn, đẩy họ vào thế khó.

TP Hồ Chí Minh: Cho phép hoạt động, doanh nghiệp dịch vụ ăn uống vẫn “cửa đóng then cài”, kêu khó với quy định / Ninh Thuận: Hỗ trợ tối đa để thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Dừng hoạt động phương tiện vận tải nếu không đạt 1 tiêu chí bắt buộc

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa gửi Sở Y tế dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị Sở Y tế có ý kiến thẩm định để giúp hoàn chỉnh Bộ tiêu chí này. Dự thảo có 10 tiêu chí (6 tiêu chí bắt buộc và 4 tiêu chí bổ sung) và căn cứ trên thang điểm 10.

Thứ nhất, lái xe, người phục vụ trên xe đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 2 được hai tuần; người đã khỏi bệnh COVID-19 sau 6 tháng được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất được hai tuần (theo hướng dẫn của Sở Y tế) được gọi là người có “Thẻ xanh COVID-19”, được 10 điểm.

Người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 1 được 4 tuần; người đã khỏi bệnh COVID-19 sau 6 tháng chưa kịp tiêm vaccine phòng COVID-19 (theo hướng dẫn của Sở Y tế) được gọi là người có “Thẻ vàng COVID-19”, được 7 điểm.

Trường hợp, nếu phương tiện có người khi nhận nhiệm vụ chưa đáp ứng một trong 2 điều kiện về tiêm vaccine nêu trên thì chấm 0 điểm.

Thứ hai, lái xe, nhân viên phục vụ xe thực hiện việc xét nghiệm theo định kỳ được 10 điểm; thực hiện không thường xuyên được 5 điểm; không thực hiện được 0 điểm.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.

Thứ tư, trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách, dung dịch khử khuẩn cho phương tiện và thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải.

Phương tiện vận tải có chỉ số an toàn (CSAT) dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0), trong bộ tiêu chí sẽ không được phép hoạt động.

Phương tiện vận tải có chỉ số an toàn dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0), trong bộ tiêu chí sẽ không được phép hoạt động.

Thứ năm, mật độ người trên xe (gồm cả nhân viên phục vụ và tài xế) không quá 50% sức chứa (xe vận chuyển hàng hóa không quá hai người trên xe) được 10 điểm. Vận chuyển trên 50% đến dưới 70% sức chứa (xe vận chuyển hàng hóa vượt quá hai người trên xe nhưng có giữ khoảng cách an toàn) được 5 điểm. Vận chuyển từ 70% sức chứa trở lên (riêng xe vận chuyển hàng hóa vượt quá hai người trên xe và không đảm bảo khoảng cách) được 0 điểm.

Và tiêu chí thứ sáu, trên xe có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; có thông tin tuyên truyền trên xe được 10 điểm; không có được 0 điểm.

Ngoài 6 tiêu chí bắt buộc, có 4 tiêu chí bổ sung gồm: có thành lập ban chỉ đạo (tổ công tác), kế hoạch (phương án) an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến; mức độ thông thoáng của phương tiện; có vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách. Mỗi tiêu chí cũng có thang điểm 10 (có thực hiện) và thang điểm 0 (không thực hiện).

Với bộ tiêu chí này sau khi được thông qua, các phương tiện vận tải có chỉ số an toàn từ 60% trở lên và không có tiêu chí bắt buộc bị điểm 0 sẽ được phép hoạt động nhưng phải cam kết khắc phục để đạt chỉ số an toàn tối thiếu 70% trong vòng 2 ngày, nếu không đạt phải tạm dừng hoạt động. Trường hợp chỉ số an toàn dưới 60% hoặc có ít nhất 1 tiêu chí bắt buộc không đạt (bị điểm 0) thì doanh nghiệp vận tải không được phép hoạt động.

Thiếu thực tiễn, sẽ "hành" doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp vận tại, việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố là đúng đắn, hợp lý trong thời điểm này, đây là động thái của chính quyền TP Hồ Chí Minh giúp các doanh nghiệp vận tải mở dần các hoạt động giao nhận trong giai đoạn "bình thường mới”.

Song, các doanh nghiệp cho rằng, việc bản thân các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện có đủ khả năng hấp thụ được bộ tiêu chí này để được phép hoạt động hay không lại là vấn đề khác. Bởi trong bộ tiêu chí này có nhiều nội dung thiên về lý thuyết và thiếu tính thực tế, có thể đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó.

các doanh nghiệp cho rằng, việc bản thân các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện có đủ khả năng hấp thụ được bộ tiêu chí này để được phép hoạt động hay không lại là vấn đề khác.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc bản thân các doanh nghiệp vận tải có đủ khả năng hấp thụ được bộ tiêu chí này để được phép hoạt động hay không lại là vấn đề khác.

Ông Nguyễn Quốc Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Sáng (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho rằng tiêu chí số 5 đang bộc lộ bất cập, chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Giám đốc này cho rằng đây là một trong những nội dung mang tính lý thuyết, chưa có tính thực tế, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải . Thời gian qua doanh nghiệp đã phải oằn mình gánh chịu mọi tổn thất để chống chọi với dịch bệnh khi phải liên tục thay đổi phương thức chống dịch theo yêu cầu của các Chính phủ, Bộ ngành, địa phương như đăng ký giấy đi đường, đăng ký luồng xanh, chi phí xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ công nhân viên… Nay được hoạt động trở lại thì buộc phải chở hàng 50% sức chứa của phương tiện, tức là giảm tải trọng.

“Doanh nghiệp tôi đa phần là xe có trọng tải lớn. Chẳng hạn xe được cho phép chở hàng hoá lên đến 16 tấn và tối đa là 3 người, nếu áp dụng tiêu chí đó chỉ còn 8 tấn và số người bắt buộc là 2 trên xe thì hết sức bất cập. Bởi ở phương tiện vận tải thì hàng hoá ít có nguy cơ lây nhiễm dịch, để lái được xe thì người trên xe buộc phải đáp ứng các tiêu chí xét nghiệm COVID-19 âm tính và buộc phải tiêm đầy đủ số mũi vaccine. Điều này có nghĩa tài xế đã có “thẻ xanh” và phương tiện vận chuyển đã có “luồng xanh”. Như vậy thì không có lý do gì để bắt buộc doanh nghiệp phải dừng hoạt động khi không đáp ứng được tiêu chí mà bị điểm 0 là rất vô lý. Vậy việc các cơ quan chức năng xây dựng hộ chiếu vaccine và phương tiên luồng xanh để làm gì?", ông Sáng nói.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Minh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay Chính phủ, Bộ ngành đang đẩy nhanh công tác tiêm vaccine cho toàn thể người dân, đặc biệt là ở khu vực ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để nới lỏng giãn cách, thực hiện phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới. Thế nhưng bộ tiêu chí mà các cơ quan chức năng của thành phố đưa ra lại “đi sai đường” với những chủ trương đó.

Theo ông Sinh, nếu chỉ nói riêng về thời gian làm thủ tục giấy đi đường, đăng ký luồng xanh cho phương tiện vận tải cũng đã khiến doanh nghiệp phải “kêu trời” vì thủ tục quá phức tạp, rườm ra. Nếu bộ tiêu chí này được đưa vào áp dụng thực tiễn thì chẳng khác nào “chặn nguồn oxi” của doanh nghiệp bằng việc vẽ thêm các mệnh lệnh hành chính cả.

Lý giải về điều này, ông Sinh cho rằng, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc doanh nghiệp tái hoạt động trở lại bằng những hợp đồng vận chuyển đơn hàng, và để có lãi thì doanh nghiệp buộc phải chở hết số hàng hoá theo quy đinh trọng tải cho phép. Việc giới hạn trong lượng chở hàng hoá sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí khi điều động thêm xe để vận chuyển.

“Ví dụ đơn hàng chúng tôi nhận của đối tác gần 150 tấn, theo nhưng thương lệ chỉ cần tầm 10 xe tải loại 15 tấn là vận chuyển được. Còn nếu áp dụng bộ tiêu chí trên thì mỗi xe chỉ còn chở được 1 nửa trọng lượng, để đơn hàng giao đúng thời gian buộc chúng tôi phải điều động gấp đôi lượng xe, vừa tốn thêm chi phí xăng dầu, vừa tốn thêm tiền nhân công”, ông Sinh nói.

Cùng đó ông Sinh cho hay, hiện nay mỗi chốt kiểm soát phòng chống dịch trên đại bàn thành phố đã bố trí tới 4-5 đơn vị để túc trực, nay phải bố trí thêm lực lượng để kiểm tra số lượng hàng hoá vận chuyển, đo trọng tải trên mỗi phương tiện vận tải, cộng với việc nhiều quận huyện đang thực hiện nới lỏng giãn cách, người dân sẽ đi lại nhiều hơn thì chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc giao thông. Khi đó, doanh nghiệp vừa không thể di chuyển để cung cấp đơn hàng cho đối tác do tắc đường, còn người dân lại không thể di chuyển, vậy sẽ rất bất cập.

“Chúng ta còn nhớ câu chuyện nhiêu khê của việc đổi lái xe, trung chuyển hàng hoá sang phương tiện khác tại TP Cần Thơ thời gian qua đã buộc lộ nhiều bất cập khiến hàng nghìn phương tiện giao thông bị ách tắc, doanh nghiệp không thể lưu thông hàng hoá phục vụ sản xuất được. Sau đó các Bộ ngành phải vào cuộc gỡ vướng. Do đó, để TP Hồ Chí Minh không lặp lại tình trạng tương tự thì khi xây dựng các kế hoạch để giám sát, quản lý thì thành phố cần đảm bảo tính thời điểm, linh hoạt và hợp lý nhiều khía cạnh… thay vì áp dụng các mệnh lệnh hành chính khiến doanh nghiệp vốn đã kiệt quệ vì dịch lại bị ảnh hưởng thêm”, ông Sinh nói.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm